Vì sao nhiều trường THPT không dạy môn nghệ thuật?

Chưa bố trí được giáo viên, thiếu cơ sở vật chất... nên hầu hết các trường THPT trong tỉnh đều 'xin nợ' việc dạy các môn mỹ thuật, âm nhạc trong năm học tới. Những học sinh có nhu cầu sẽ phải chịu thiệt thòi.

Hầu hết các trường THPT trong tỉnh chưa thể đưa nhóm môn nghệ thuật vào chương trình học vì chưa bố trí được giáo viên dạy 2 môn mỹ thuật, âm nhạc. Trong ảnh: Thí sinh thi vào lớp 10 THPT tại Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương)

Hầu hết các trường THPT trong tỉnh chưa thể đưa nhóm môn nghệ thuật vào chương trình học vì chưa bố trí được giáo viên dạy 2 môn mỹ thuật, âm nhạc. Trong ảnh: Thí sinh thi vào lớp 10 THPT tại Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương)

Năm học tới, lần đầu tiên học sinh lớp 10 THPT được lựa chọn môn học, trong đó có nhóm môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật). Tuy nhiên, hầu hết các trường chưa thể đưa môn này vào giảng dạy.

"Xin nợ"

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới, học sinh từ lớp 10 THPT sẽ có 8 môn học và hoạt động bắt buộc, bao gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục địa phương, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và lịch sử. Các môn và hoạt động này học chương trình 52 tiết.

Các em đăng ký học tổ hợp lựa chọn 4 môn học, được chọn trong 3 nhóm. Nhóm khoa học tự nhiên với các môn vật lý, hóa học, sinh học. Nhóm khoa học xã hội bao gồm địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật bao gồm công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Năm học tới, hầu hết các trường THPT trong tỉnh đều “xin nợ” chưa thể đưa nhóm môn nghệ thuật vào chương trình học vì chưa bố trí được giáo viên dạy 2 môn mỹ thuật, âm nhạc.

Thầy Bùi Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách cho biết trường vừa không có giáo viên nhóm môn nghệ thuật vừa chưa có cơ sở vật chất của phòng âm nhạc, mỹ thuật. Do đó, năm học tới, trường chưa thể triển khai dạy 2 môn này. "Nếu ít học sinh đăng ký học môn nghệ thuật, không đủ để thành lập lớp thì có giáo viên dạy cũng rất khó tổ chức dạy được", thầy Vinh nói.

Tương tự, năm học này Trường THPT Thanh Miện cũng chưa thể triển khai dạy nhóm môn nghệ thuật. Theo thầy Lê Văn Lục, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện, nhà trường đã tính đến việc thuê giáo viên hợp đồng THCS hoặc giáo viên của trường khác đến dạy nhưng rất khó khăn do không có giáo viên.

Lãnh đạo nhiều trường THPT khác cho biết nhóm môn nghệ thuật có âm nhạc, mỹ thuật mới chỉ được dạy ở bậc tiểu học và THCS, nay đưa vào bậc THPT là bài toán khó. Đây là môn đặc thù, đòi hỏi phải có trình độ, năng khiếu nên cũng không thể đưa giáo viên môn khác sang dạy được.

Việc nhiều trường không đưa môn nghệ thuật vào danh mục môn học sẽ khiến những học sinh có nhu cầu học chịu thiệt thòi

Việc nhiều trường không đưa môn nghệ thuật vào danh mục môn học sẽ khiến những học sinh có nhu cầu học chịu thiệt thòi

Thiệt cho học sinh
Theo tìm hiểu của phóng viên, không nhiều học sinh muốn học nhóm môn nghệ thuật. Những em này chủ yếu có ý định theo khối V (toán, lý, vẽ), khối H (văn, vẽ hình họa, vẽ trang trí) để sau này thi tuyển các trường liên quan đến mỹ thuật, thiết kế. Hay khối M (toán, ngữ văn và năng khiếu), khối N (ngữ văn và năng khiếu) để đăng ký các trường có ngành âm nhạc, nhạc cụ, biểu diễn hoặc sư phạm mầm non...

Tuy nhiên, việc nhiều trường không đưa môn nghệ thuật vào danh mục môn học thì những học sinh có nhu cầu học sẽ chịu thiệt thòi.

Em P.Đ.D. vừa trúng tuyển vào một trường THPT công lập ở Kinh Môn cho hay khi biết có môn mỹ thuật sẽ được đưa vào danh sách môn học giảng dạy ở lớp 10 từ năm học này, em rất hào hứng muốn chọn. Học môn này có thể giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học chính khóa, giúp các em vừa tiếp cận kiến thức nghệ thuật vừa có cơ sở để lựa chọn nghề nghiệp liên quan trong tương lai. "Em dự định sau này có thể đăng ký xét tuyển Đại học Kiến trúc Hà Nội nên nếu được học môn mỹ thuật em sẽ không phải đi học vẽ ở các lớp bên ngoài trường", D. nói.

Một số phụ huynh cho rằng nếu có học sinh đăng ký học thì có thể thuê giáo viên ở các trường THCS, trung cấp, cao đẳng về giảng dạy. Nếu học sinh đăng ký ít, không đủ thành lập lớp tại trường thì có thể tập trung nhóm học sinh có nguyện vọng và tổ chức dạy liên trường, liên huyện hoặc bố trí theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng trong tỉnh có liên quan đến môn nghệ thuật. Chị L.T.D. ở TP Hải Dương cho biết nếu tổ chức dạy được môn nghệ thuật ngay trong năm học này thì đây sẽ là nguồn giáo viên nghệ thuật cho tỉnh trong những năm tới.

Việc đưa nhóm môn nghệ thuật vào giảng dạy là bước tiến lớn của chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh, giúp các em học tập trung theo sở thích, không dàn trải. Việc dạy học các môn nghệ thuật sẽ phát huy được khả năng sáng tạo, đáp ứng mục tiêu dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đây là môn học mới nên tất cả các trường THPT chưa có giáo viên môn nghệ thuật. Vì vậy, việc đưa môn nghệ thuật vào giảng dạy từ năm học tới rất khó. Sở đã có hướng dẫn cụ thể các trường xây dựng phương án tổ chức dạy học các môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời chỉ đạo các trường hướng dẫn học sinh lựa chọn các môn học, chuyên đề học tập phù hợp với sở trường, năng lực của các em và điều kiện đáp ứng của các trường. Các trường báo cáo kết quả xếp lớp trước ngày 6.8.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc/vi-sao-nhieu-truong-thpt-khong-day-mon-nghe-thuat-209278