Vì sao sâm Ngọc Linh tốt nhưng người Việt lại thích sâm Hàn Quốc?

Quy mô vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay chỉ trên 2.000 ha và thị trường sâm Việt Nam hiện doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 20%, còn lại là doanh nghiệp Hàn Quốc

Sở Ngoại vụ TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM mới đây công bố “lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM” năm 2024.

Sâm Ngọc Linh tốt nhưng người Việt thích sâm Hàn Quốc

Tại sự kiện trên, bà Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM cho biết, qua các nghiên cứu cho thấy sâm Ngọc Linh của Việt Nam rất tốt nhưng tâm lý người tiêu dùng (NTD) Việt thường nghĩ đến sâm Hàn Quốc.

Điều này cũng tất yếu khi doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đi trước Việt Nam rất lâu, làm thương mại rất tốt… còn Việt Nam phát triển manh mún, chưa có sự hợp tác mạnh mẽ cùng phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, vùng trồng sâm Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở Kon Tum, Quảng Nam và đang phát triển tại Lâm Đồng.

Chẳng hạn, có DN diện tích trồng sâm khoảng 40 ha, mất từ 5-7 năm mới thu hoạch một củ sâm tự nhiên 88 gram.

“Vùng trồng ít, năng suất không cao nên không có nhiều sản phẩm để đưa ra thị trường, chưa kể giá trị của sâm rất cao từ cả trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng /kg tùy độ tuổi. Do đó, sâm của Việt Nam không phổ biến đại trà, ít người biết đến ”- bà Loan nói.

Cùng nhìn nhận trên, ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó giám đốc Sở ngoại vụ TP.HCM cho biết, "các đối tác Hàn Quốc thừa nhận sâm Ngọc Linh của Việt Nam rất tốt.

Vấn đề ở đây là DN thổi hồn vào sản phẩm chứ không đơn thuần mang tính chất thương mại. Do đó, lễ hội còn là sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Các đơn vị cùng chia sẻ công nghệ chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc, kể cả vùng nguyên liệu.

Ví dụ sâm Hàn Quốc mang sang Việt Nam trồng hay sâm Ngọc Linh đem qua Hàn Quốc trồng thế nào…

Ngoài ra, lễ hội là một trong những cách để nhận diện thương hiệu sâm và dược liệu, hương liệu Việt Nam; thay đổi cách nhìn, thói quen NTD".

Là một trong hai đơn vị đại diện tỉnh Kon Tum được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giám sát vấn đề trồng và đã cấp chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, ông Nguyễn Việt Xuân, đại diện Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông cho biết, dược chất của sâm Ngọc Linh được đánh giá rất cao, những nhà khoa học Nhật Bản, Hàn Quốc đã công nhận.

Tuy nhiên, quy mô vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay chỉ trên 2.000 ha.

“Thị trường sâm Việt Nam hiện DN trong nước chiếm khoảng 20%, còn lại là DN Hàn Quốc. Việt Nam chưa có nhiều chiến lược marketing lớn và liên tục. Chúng tôi mong sau những sự kiện như lễ hội sâm người Việt sẽ hiểu, dùng sâm Việt Nam”- ông Xuân nói.

 Doanh nghiệp chia sẻ thông tin tại họp báo. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp chia sẻ thông tin tại họp báo. Ảnh: TÚ UYÊN

Nếu được hỗ trợ sâm mang về rất nhiều tỉ USD cho nền kinh tế

Theo ông Xuân, sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông đúng chuẩn gồm loại 10 củ, 30 củ, 50 củ/1kg, giá từ 120-360 triệu đồng/kg. Đây là những củ sâm được trồng từ sáu năm trở lên.

“Cách đây ba tuần một đơn vị đã mua củ sâm sưu tầm với giá tỉ đồng”- ông Xuân kể.

Ông Xuân cho biết thêm, hai năm trở lại đây lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Quảng Nam tập trung phát triển vùng trồng, thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Song song đó, thị trường đã có những công nghệ mới giúp tăng nguồn cung cũng như chiết xuất hoạt chất tốt từ sâm để chế biến nhiều sản phẩm.

“Vùng trồng sâm của công ty chỉ 38 ha và đang liên kết 10 hộ nông dân khoảng 200 ha. Tuy nhiên, có DN Việt đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng vùng trồng sâm. Với giá trị của một kg sâm Ngọc Linh hiện tại, nếu DN Việt được nhà nước hỗ trợ, sâm là ngành mang về rất nhiều tỉ USD cho nền kinh tế”- ông Xuân nói.

Để nhận diện sâm Ngọc Linh chính xác ngoài phương pháp định tính, định lượng hiện nay có thêm giải pháp là kiểm định gen. Chi phí kiểm định gen sâm Ngọc Linh 3.000.000 đồng/lần.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-sam-ngoc-linh-tot-nhung-nguoi-viet-lai-thich-sam-han-quoc-post791134.html