Vì sao sinh viên ngành kinh tế nhiều bằng giỏi và xuất sắc?
Đại diện các trường cho biết có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc bởi các yếu tố như đầu vào, năng lực tự thân của sinh viên cũng như nỗ lực của nhà trường.
Lời tòa soạn
Những năm gần đây, tại không ít trường đại học, số sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc ngày càng nhiều. Việc xuất hiện quá nhiều sinh viên đạt kết quả học tập rất cao đặt ra nhiều câu hỏi như: Cách kiểm tra đánh giá sinh viên hiện nay ra sao? Bằng cấp có thực sự đi đôi với năng lực?...
Tuyến bài “Tại sao ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc?” giúp độc giả hiểu rõ hơn tình trạng này.
Đầu ra cao nhờ đầu vào tốt
Những năm gần đây, mỗi khóa tốt nghiệp của ĐH Kinh tế TP.HCM có tới hơn 50% sinh viên được trao bằng giỏi, xuất sắc. Đây là một trong những trường có số lượng bằng loại này nhiều nhất hiện nay.
Vì sao trường có nhiều sinh viên đạt kết quả cao như vậy? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Bùi Quang Hùng - Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng lý do đầu tiên có thể đề cập chính là chất lượng đầu vào.
“Sinh viên có đầu vào tốt cộng hưởng với sự nhạy bén, khả năng tự học, tư duy sáng tạo, am hiểu môi trường kinh tế nhiều biến động. Bên cạnh đó là khả năng thích nghi đặc trưng của sinh viên khối ngành Kinh tế nói chung trong thời đại công nghệ 4.0 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em có thể theo học và học tốt” - ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, chương trình đào tạo tại đại học được kiểm định theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Đồng thời, sinh viên có sự theo dõi và tư vấn tận tình của cố vấn học tập, được định hướng lộ trình học tập cũng như chuẩn bị các chuẩn đầu ra thật tốt để tốt nghiệp theo đúng kế hoạch.
"Những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi phát huy năng lực vốn có của sinh viên" - ông Hùng chia sẻ.
Ở đợt nghiệp tháng 2 vừa qua, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) có 1.466 sinh viên được cấp bằng. Trong đó, 25 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, chiếm tỷ lệ 2% và 620 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, chiếm tỷ lệ 42%. Tổng số sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc là 44%.
Nói về con số này, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng nếu chỉ quan sát số lượng tốt nghiệp giỏi và xuất sắc của trường, nhiều người sẽ nhận xét tỉ lệ khá cao.
Tuy nhiên, cũng như ông Hùng, ông Khang cho biết lý do đầu tiên cần nhắc tới là chất lượng đầu vào của sinh viên nhà trường.
Theo vị phó hiệu trưởng này, điểm đầu vào của trường trong 10 năm qua khá cao với hầu hết các ngành có điểm chuẩn từ 24 trở lên. Cá biệt, một số ngành nhiều năm liền có điểm chuẩn từ 27 trở lên.
“So sánh cho thấy tỉ lệ sinh viên của trường có học lực giỏi, xuất sắc ở bậc trung học phổ thông gần bằng 100%. Thế nhưng, qua quá trình học tập ở đại học, tỷ lệ tốt nghiệp giỏi, xuất sắc đã giảm rất nhiều.
Đây là điều nhà trường luôn trăn trở cũng như đặt ra mục tiêu cần phải cải tiến hơn nữa để sinh viên học tốt hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội và sự phát triển” - ông Khang nói.
Ông Khang khẳng định tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường đều được kiểm định theo chuẩn quốc tế. Mỗi môn học có yêu cầu về chuẩn đầu ra cụ thể, từ đó đưa ra thang điểm từng thành phần để đánh giá sinh viên. Do đó, khi một sinh viên được đánh giá là “Giỏi” ở một môn học nào đấy, thì sinh viên đã đạt yêu cầu về chuẩn đầu ra của môn học đó ở mức độ hiểu sâu và có thể vận dụng tốt kiến thức được trang bị.
"Mặt khác, nhà trường có quy trình kiểm tra việc đánh giá sinh viên rất chặt chẽ. Một sinh viên tốt nghiệp giỏi hay xuất sắc vì hầu hết đạt chuẩn đầu ra giỏi, xuất sắc của các môn học trong chương trình đào tạo.
Ngoài ra, để đạt loại giỏi hay xuất sắc, nhà trường còn đánh giá các kỹ năng mềm thông qua việc tính điểm rèn luyện của sinh viên. Sinh viên phải đạt ngưỡng này để đạt xếp loại tốt nghiệp tương ứng" - ông Khang nhấn mạnh.
"Học kinh tế không nhẹ"
Trước một số ý kiến cho rằng ở các nhà trường đào tạo ngành kinh tế việc học thường nhẹ nhàng hơn các khối kỹ thuật, do vậy điểm cao hơn, sinh viên dễ dàng đạt được bằng giỏi và xuất sắc hơn, PGS Bùi Quang Hùng khẳng định không thể so sánh và kết luận chung chung như vậy.
"Mỗi ngành học đều có những khía cạnh riêng biệt, yêu cầu kiến thức và kỹ năng đặc trưng.
Trong khối ngành kinh tế, sinh viên cần phải nắm vững các khái niệm phức tạp về tài chính, kinh doanh, và kinh tế học, cũng như có khả năng áp dụng chúng vào thực tế. Đồng thời, sinh viên phải có khả năng thích nghi, phân tích và giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội phức tạp và đầy biến động” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết điểm số không thể là tiêu chí duy nhất để đánh giá sự thành công trong học tập.
"Mặc dù việc đạt điểm cao có thể phản ánh sự hiểu biết và nắm vững kiến thức, nhưng điểm số không thể đo lường được khả năng sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, hoặc khả năng làm việc nhóm - những kỹ năng quan trọng mà sinh viên kinh tế cần phát triển.
Theo ông Hùng, việc học trong các khối ngành kinh tế cũng đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết cao như bất kỳ ngành học nào khác.
“Điểm số khối ngành kinh tế có thể cao hơn trong một số trường hợp, nhưng không thể kết luận rằng việc học trong các ngành kinh tế dễ dàng hơn hoặc sinh viên khối ngành kinh tế đạt được điểm cao hơn sinh viên khối ngành kỹ thuật. Điều quan trọng là mỗi ngành học đều có giá trị và đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết từ sinh viên” - ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Bài 4: Đừng để sinh viên giỏi xuất sắc trường này bằng trung bình trường khác