'Việc nhẹ lương cao' chỉ là bẫy lừa

Thời gian qua, không ít người nhẹ dạ cả tin đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo thông qua nhiều thủ đoạn, như lừa đảo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng, ra nước ngoài làm việc với mức lương hấp dẫn... Thực chất, đây là một hình thức lừa đảo mới.

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa

“Khi bị các chú bộ đội kiểm tra và không cho sang Campuchia, cháu cũng thấy tiếc lắm vì đang háo hức được làm công việc nhẹ nhàng mà có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi biết sang bên đấy có thể sẽ bị các đối tượng xấu cưỡng ép, bóc lột sức lao động thì cháu lại thấy mình may mắn...”, em Đào Văn Chức, sinh năm 2006, trú tại thôn An Thành, xã Thống Nhất, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết. Trước đó, vào ngày 4-7, tại khu vực bãi xe thuộc ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Long An phát hiện một xe ô tô có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép nên tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe có 3 người, gồm: Nguyễn Ánh Tuyết, Lý Văn Bền và Đào Văn Chức. Nguyễn Ánh Tuyết khai được thuê để đưa Bền và Chức xuất cảnh sang Campuchia trái phép với tiền công 1 triệu đồng/người.

Không biết tiếng, không tìm hiểu khi sang Campuchia sẽ làm công việc gì, vậy mà chỉ nghe một người mới quen trên Facebook dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”, hai em người dân tộc thiểu số Đào Văn Chức và Lý Văn Bền đã bỏ nhà để đi gần 2.000km vào Long An tìm cách sang Campuchia. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Cao Xuân Hiền, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây cho biết: “Các nạn nhân bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc với mức lương cao (20-25 triệu đồng/tháng) chủ yếu trong độ tuổi 15-30. Tuy nhiên, thực tế họ lại phải "làm việc" cho các cơ sở hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... Nhiều người sau khi được giải thoát cho biết bị cưỡng ép lao động 12-16 tiếng/ngày, không được ra khỏi cơ sở. Khi không đáp ứng được công việc, nạn nhân sẽ bị bán cho chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt phải gọi điện về cho gia đình, người thân để nộp 60-500 triệu đồng tiền chuộc”.

Các đối tượng xuất cảnh trái phép bị Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) phát hiện, bắt giữ.

Các đối tượng xuất cảnh trái phép bị Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) phát hiện, bắt giữ.

Một hình thức lừa đảo khá phổ biến, các cơ quan chức năng và báo chí đã cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy, đó là hình thức tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng. Theo đó, người tham gia phải đặt mua và thanh toán tiền cho các sản phẩm được chỉ định để tạo giao dịch giả, thu hút khách hàng, sau đó sẽ được hoàn số tiền đã thanh toán và hưởng hoa hồng. Ban đầu, người tham gia được hoàn trả tiền, song đến các nhiệm vụ cần nạp số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng thì không được hoàn trả... Mới đây, gửi phản hồi về tòa soạn sau khi báo đăng bài vạch trần thủ đoạn này, chị Lê Thị Mai Hương cho biết: "Tôi là nạn nhân của việc lừa đảo làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng, đã nộp hơn 200 triệu đồng nhưng vẫn chưa được hoàn trả. Khi tôi không còn khả năng nộp tiền nữa thì các đối tượng lừa đảo đã khóa tài khoản. Tôi không biết phải làm thế nào để lấy lại tiền...".

Cần nâng cao cảnh giác

Vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) có thông báo, đơn vị này nhận được thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh về việc nhiều lao động bị lừa sang Campuchia làm việc. Đây không phải là những người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động mà đi đường bộ qua khu vực biên giới... Người lao động cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc liên hệ với các cơ quan quản lý lao động tại địa phương nơi mình cư trú để được hướng dẫn, tránh rơi vào bẫy lừa.

Để tránh bị lừa đảo, người dân cần hết sức cảnh giác với các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội hứa hẹn kiếm tiền nhanh, làm việc nhẹ. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cần quyết liệt vào cuộc trấn áp loại tội phạm này. Trước thực trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP cảnh báo và đề nghị người dân cảnh giác trước những lời mời, dụ dỗ sang Campuchia làm việc của các đối tượng trên mạng xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP cho biết: “Quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, chúng tôi đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới. Với người dân, trước khi nhận lời đi làm, nhất là làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa điểm nơi mình định đến, công việc cụ thể, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu... để cân nhắc, quyết định. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc trái phép hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo tuyển dụng, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan công an".

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/viec-nhe-luong-cao-chi-la-bay-lua-700357