Viện Kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của 11 bị cáo vụ Việt Á

Trong phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ kháng cáo xin xem xét giảm nhẹ hình phạt của 11 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.

Chiều 16/5, sau hơn 1 ngày xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm giải quyết đối với các nội dung kháng cáo của 11 bị cáo và 4 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Theo Viện Kiểm sát, trong vụ án này, Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á có vai trò cao nhất, điều hành mọi hoạt động và chỉ đạo liên quan tới các hành vi vi phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây là tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Việt.

Tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Bên cạnh đó, việc bị cáo Việt nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng là quá nhỏ so với những hậu quả đã gây ra trong vụ án này, do đó Viện Kiểm sát cho rằng không có căn cứ để chấp thuận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Với bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, tuy đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ là 2,25 triệu USD, đồng thời nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng cho Phan Quốc Việt, tuy nhiên Viện Kiểm sát đánh giá, tòa cấp sơ thẩm tuyên án 18 năm tù đối với bị cáo Long dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là phù hợp, do đó đề nghị không chấp thuận kháng cáo.

Ngoài ra, 9 bị cáo khác trong vụ án này cũng bị bác kháng cáo gồm: Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế;

Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty VNDAT; Ngụy Thị Hậu, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch, CDC Bắc Giang; Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á; Lê Thị Hồng Xuyên, nhân viên CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán, CDC Bình Dương.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 11 bị cáo và 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 11 bị cáo và 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, mức án tòa sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo này là phù hợp, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố, do đó dù khắc phục thêm hậu quả, hoặc cung cấp thêm một số tình tiết, nhưng không đủ căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Liên quan tới 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bác các nội dung kháng cáo.

Viện Kiểm sát cho rằng, số tiền hơn 412 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm đứng tên bà Đàm Thị Trinh (mẹ Phan Quốc Việt) và 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng đứng tên con chung của Việt và chị Hồ Thị Thanh Thủy là số tiền được xác định có được trong giai đoạn phạm tội, do đó đề nghị tiếp tục kê biên để khắc phục hậu quả vụ án.

Bên cạnh đó, các nội dung kháng cáo của Công ty Việt Á cũng không được Viện Kiểm sát chấp thuận, do đó yêu cầu khắc phục hậu quả số tiền hơn 833 tỷ đồng, trong đó hậu quả vụ án đã được khắc phục hơn 170 tỷ đồng, còn lại hơn 633 tỷ đồng.

Trước đó, đại diện Công ty Việt Á cho rằng, công ty sử dụng sản phẩm do chính mình nghiên cứu, nên đề nghị tòa không tịch thu số tiền 833 tỷ đồng bị cấp sơ thẩm quy kết là thu lợi bất chính.

Theo lý giải, đề tài nghiên cứu và việc sản xuất thương mại này là của doanh nghiệp tự hạch toán, nên không thể giới hạn về chi phí, lợi nhuận như cơ quan tố tụng trước đó xác định, nên cho rằng vụ án không có thiệt hại.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư, các bị cáo và đại diện Viện Kiểm sát liên quan tới quan điểm không chấp thuận kháng cáo của từng bị cáo.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1/2024, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên phạt Phan Quốc Việt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 15 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận mức án 18 năm tù; Trịnh Thanh Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Trong vụ án này, các sai phạm được phân hóa thành nhiều giai đoạn, liên quan đến hàng loạt vi phạm xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các tỉnh thành mua sắm kit xét nghiệm.

Theo đó, từ khi Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Đề tài nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Trịnh Thanh Hùng đã giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu, sau đó Phan Quốc Việt đã “qua mặt” Bộ Khoa học và Công nghệ, biến kết quả đề tài thành của riêng, sau đó sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm.

Tại Bộ Y tế, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đã nhiều lần chỉ đạo cựu Thư ký Nguyễn Huỳnh và một số cấp dưới hỗ trợ Công ty Việt Á trong việc thử nghiệm, cấp phép lưu hành tạm thời, chính thức; đồng thời hiệp thương giá kit xét nghiệm cao gấp 3 lần chi phí sản xuất.

Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long còn can thiệp, tác động tới một số tỉnh, thành để giúp Công ty Việt Á triển khai bán hàng và thực hiện các hoạt động xét nghiệm trên diện rộng, tiêu thụ kit xét nghiệm và sinh phẩm y tế với số lượng lớn. Sau đó, nhận hối lộ số tiền lên tới 2,25 triệu USD.

Tại một số tỉnh, thành, Phan Quốc Việt cũng thỏa thuận ăn chia hoa hồng từ 15-40% giá trị hợp đồng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế; đưa hối lộ cho lãnh đạo, cán bộ có liên quan, với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo thống kê, Công ty Việt Á đã sản xuất gần 8,8 triệu kit xét nghiệm, được nhà nước thanh toán gần 6 triệu kit xét nghiệm, với tổng số tiền hơn 2.250 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vien-kiem-sat-de-nghi-bac-toan-bo-khang-cao-cua-11-bi-cao-vu-viet-a-d215287.html