Việt Nam có hơn 10 triệu doanh nhân

Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiết lộ, với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hơn chục triệu người.

Việt Nam có hơn chục triệu doanh nhân

Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Viện phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có nhiều nhận định về giới doanh nhân hiện nay.

Trích dẫn Luật Doanh nghiệp 2020, Viện phát triển doanh nghiệp cho biết, kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

 Buổi công bố báo cáo về tình hình doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: TC)

Buổi công bố báo cáo về tình hình doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: TC)

Như vậy, theo cách hiểu này, với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hơn chục triệu người. Còn nếu chỉ tính các doanh nhân đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp thì số lượng cũng lên đến hơn 1 triệu người.

Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng doanh nhân cũng đã được cải thiện, Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" toàn cầu.

Tới nay, Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới.

Theo nghiên cứu của Viện phát triển doanh nghiệp, trong một nghiên cứu vào năm 2010, hầu hết các doanh nhân Việt Nam đều có xuất thân từ tầng lớp lao động và chủ yếu từ khu vực kinh tế nhà nước thì hiện nay tình hình đã thay đổi.

Trình độ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được nâng cao. Về trình độ học vấn, theo tổng điều tra doanh nghiệp năm 2017, có đến 62,4% doanh nhân có trình độ đại học, 3,43% doanh nhân có trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Doanh nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp hoặc sơ cấp chiếm hơn 20%. Tuy nhiên, vẫn còn gần 10% doanh nhân chưa qua đào tạo, hoặc chỉ đào tạo dưới 3 tháng.

Về trình độ tiếng Anh, đã có cải thiện khi chỉ còn 10% doanh nhân không biết tiếng Anh. Trong khi đó, có đến 63,2% doanh nhân có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, thậm chí có đến 9,6% doanh nhân có thể đàm phán hợp đồng bằng tiếng Anh và 17,3% doanh nhân có thể sử dụng thành thạo cả bốn kỹ năng là nghe, nói, đọc, viết.

Tuy nhiên, việc chỉ có hơn 1/4 doanh nhân có thể đàm phán hợp đồng và thành thạo các kỹ năng vẫn còn thấp nếu so với yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Cộng đồng doanh nhân có đóng góp rất lớn đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội

Cũng theo nghiên cứu của Viện phát triển doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và có đóng góp rất lớn đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo,...

Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động; đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách nhà nước.

Riêng trong năm 2021, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI chiếm gần 24,30% tổng thu trong nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 10,45% và doanh nghiệp FDI chiếm 13,85% tổng thu trong nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát triển góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động. Số doanh nghiệp tăng nhanh đã giải quyết được nhiều việc làm với thu nhập tăng lên cho người lao động.

Thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp cũng không ngừng tăng lên, từ 56,4 triệu đồng năm 2011 lên 123,13 triệu đồng năm 2021, tăng hơn 2 lần, bình quân tăng khoảng 8,12%/năm.

“Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày có vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Họ chính là những người lãnh đạo, quản lý, điều hành các doanh nghiệp - lực lượng chủ lực tiên phong trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước”, báo cáo của Viện phát triển doanh nghiệp nêu.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-co-hon-10-trieu-doanh-nhan-post268420.html