Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng

Mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng là một trong những hoạt động và mô hình nổi bật về chuyển đổi xanh trên thế giới và tại Việt Nam. Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển mô hình này, đặc biệt là trong bối cảnh người dân ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch và an toàn.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam tại buổi lễ ký kết hợp tác với Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh về “Chương trình phát triển nông nghiệp và thực phẩm định hướng xanh, bền vững và khánh thành mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng - Nong Lam Foodbank Garden”, vào ngày 16/5 tại TP Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng thực phẩm Việt Nam ký kết hợp tác.

Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng thực phẩm Việt Nam ký kết hợp tác.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, dự án Vườn thực phẩm cộng đồng là một trong những dự án tâm huyết mang tính lâu dài, bền vững mà Ngân hàng thực phẩm Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Nong Lam Foodbank Garden là một dự án phi lợi nhuận, nơi mọi người cùng chung tay trồng trọt, chăm sóc và chia sẻ, cung cấp thực phẩm an toàn đến người cần.

Mô hình này hỗ trợ cung cấp quy trình sản xuất, xử lý rác thải hữu cơ, chăm sóc, thu hoạch và cuối cùng là vận chuyển đến nơi cần một cách công khai, minh bạch hướng tới một nguồn thực phẩm sạch và bổ dưỡng cho người dùng tiếp cận được nguồn thực phẩm chất lượng cao và giảm nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại; đồng thời giúp cải thiện chất lượng không khí góp phần vào giảm thiểu CO2 trong hệ thống thực phẩm bền vững, đặc biệt góp phần giảm thiểu hơn 30 triệu kg phát thải CO2.

Khách tham quan khu xử lý thực phẩm hữu cơ tại Nong Lam Foodbank Garden.

Khách tham quan khu xử lý thực phẩm hữu cơ tại Nong Lam Foodbank Garden.

“Mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng là một trong những hoạt động và mô hình nổi bật về chuyển đổi xanh trên thế giới. Tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh người dân, các ngành nghề học của sinh viên trong thời đại hiện nay đang ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch và an toàn. Dưới sự hướng dẫn của Mạng lưới Food Bank toàn cầu cùng nhiều tổ chức triển khai các mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng trên hệ thống các quốc gia, Ngân hàng thực phẩm Việt Nam đã triển khai các mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng và phát triển nó trong nhiều năm qua, hướng đến phát triền bền vững và cân bằng lương thực tại Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Khởi thông tin.

Vườn thực phẩm cộng đồng - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh tại khu phố 6, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Vườn thực phẩm cộng đồng - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh tại khu phố 6, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, việc hợp tác cùng Ngân hàng thực phẩm Việt Nam triển khai mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của trường và các khối trường học khác trên địa bàn nói riêng và toàn quốc nói chung.

“Sử dụng tài nguyên như nước, đất đai và nguồn năng lượng có sẵn của nhà trường như một hệ sinh thái để giảm lãng phí và bảo vệ môi trường. Song song với đó là triển khai các lớp tập huấn, đào tạo, trải nghiệm để giúp các em sinh viên và các đối tượng chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ bền vững; tạo liên kết, phát triển hệ thống cung ứng, vận chuyển ngắn giữa Vườn thực phẩm và đối tượng sử dụng để giảm chi phí vận chuyển, giữ nguyên giá trị của sản phẩm làm ra”, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn chia sẻ.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường nhận thức về lợi ích của thực phẩm sạch và an toàn trong cộng đồng sẽ tạo đà cho tất cả các thế hệ quan tâm và hỗ trợ mô hình vườn thực phẩm cộng đồng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp hữu cơ mở ra cơ hội để phát triển Vườn thực phẩm cộng đồng. Với việc trồng theo các phương pháp bền vững và không sử dụng hóa chất độc hại, tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền đến học sinh, sinh viên về lợi ích của thực phẩm sạch và mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng sẽ giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng đối tượng trong việc hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm và biết dùng đúng mục đích.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/viet-nam-co-nhieu-co-hoi-de-phat-trien-mo-hinh-vuon-thuc-pham-cong-dong-20240516175619192.htm