Việt Nam đi đầu trong việc triển khai CAB, tăng chất lượng dịch vụ phòng chống HIV

CAB (mô hình Nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế) là lực lượng rất quan trọng, đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS…

Hiện ở nước ta mô hình CAB được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng Thái Nguyên, Long An, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu. Có 41 phòng khám ngoại trú (OPC)/487 OPC trên toàn quốc đang được CAB hỗ trợ. Trong năm 2022-2023, có trên 10.000 lượt khách hàng đã được CAB hỗ trợ tư vấn và chuyển gửi.

Mô hình CAB giúp nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

CAB là một mô hình khá mới ở Việt Nam. Những thành viên của nhóm CAB là các nhân viên của các nhóm cộng đồng, đóng vai trò trung gian trong việc thu thập, ghi nhận các ý kiến của những người sử dụng dịch vụ điều trị HIV/PrEP… từ đó phản hồi cho những cơ sở y tế hay những người cung cấp dịch vụ. Từ kênh thông tin này cơ sở y tế sẽ xem xét điều chỉnh, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Thành viên nhóm CAB Thái Nguyên thảo luận và chia sẻ về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại Hội nghị thường niên Nhóm CAB năm 2023.

Thành viên nhóm CAB Thái Nguyên thảo luận và chia sẻ về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại Hội nghị thường niên Nhóm CAB năm 2023.

ThS. Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam còn nhiều thách thức trong đó kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là một trong những rào cản đến các hoạt động phát hiện và điều trị sớm người nhiễm HIV. Vấn đề duy trì tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV, đảm bảo chất lượng điều trị ARV cũng là một thách thức lớn… Do đó, việc cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS là vô cùng quan trọng, không thể thiếu để thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới đã chính thức triển khai mô hình CAB, thông qua việc Ban hành Quyết định 237/QĐ-AIDS ngày 13/10/2021, hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, dưới sự hỗ trợ của Cục Phòng chống HIV/AIDS, ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết tại Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn và hỗ trợ khách hàng (CAB) năm 2023 mới đây.

Các thành viên của nhóm CAB đã đạt được rất nhiều thành tựu như thúc đẩy, tăng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến chăm sóc y tế tại cộng đồng như các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần, hỗ trợ khách hàng tiếp cận điều trị ARV… Thông qua sự hỗ trợ của các đối tác kỹ thuật có liên quan đảm bảo mô hình tích cực, hiệu quả bền vững, đồng thời cũng là mô hình chuyển đổi trong tương lai sang các bệnh khác.

CDC Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV

Bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, hợp tác y tế là một phần quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoa Kỳ cam kết mở rộng hợp tác về an ninh y tế toàn cầu nhằm tăng cường năng lực y tế công cộng cốt lõi của Việt Nam, nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm, cải thiện hệ thống giám sát cũng như nâng cao năng lực phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Cam kết cũng bao gồm việc chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam vào năm 2030.

Bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Mô hình Nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế (CAB) là một cách tiếp cận thú vị, sáng tạo và hiệu quả nhằm giúp Việt Nam kiểm soát bệnh HIV. Chúng tôi đang thu hẹp khoảng cách trong các khâu xét nghiệm HIV, tiếp cận điều trị và đạt được mục tiêu ức chế virus cho phần lớn người nhiễm HIV ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn gặp phải một số thách thức, như sự kỳ thị và thiếu hiểu biết ở những người trẻ về hiệu quả của việc điều trị và dự phòng HIV. Những vấn đề này trở thành rào cản trong tiếp cận với các dịch vụ HIV mà họ cần.

Mô hình CAB là nhân tố mạnh mẽ trong việc ghi nhận và tìm hiểu những ưu tiên cũng như nhu cầu của khách hàng. Họ đã đưa những ý kiến phản hồi từ khách hàng vào hoạt động cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách hợp tác chặt chẽ với các lãnh đạo và nhân viên y tế nhằm thay đổi các thực hành y tế và trao quyền cho khách hàng.

Thông qua việc thúc đẩy niềm tin, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm tập thể, mô hình CAB cuối cùng đã chứng minh rằng mối quan hệ đối tác và sự hợp tác thực sự là rất quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Bác sĩ Eric Dziuban cho biết, mặc dù sáng kiến này đang được CDC Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Chương trình PEPFAR, nhưng tiềm năng mở rộng quy mô của mô hình này là không giới hạn. Tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo mang tính định hướng và sáng tạo của Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam. Họ không những hỗ trợ về mặt chính trị để giới thiệu mô hình này tại 5 tỉnh trọng điểm được PEPFAR hỗ trợ mà còn hành động nhanh chóng để duy trì mô hình này, khi thấy tính hiệu quả trong hoạt động của mô hình CAB.

Cục phòng chống HIV/AIDS đã đưa ra khuyến nghị nhân rộng mô hình này vào năm 2021 và những khuyến nghị này là cơ sở chính trị để các tỉnh khác áp dụng mô hình CAB. CDC Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với Cục phòng chống HIV/ AIDS để đảm bảo nguồn lực kỹ thuật cho việc mở rộng này.

Ngoài hỗ trợ việc mở rộng mô hình về mặt địa lý, chúng tôi tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các thành viên nhóm CAB vào việc ra quyết định. Tất cả chúng tôi đều muốn đảm bảo rằng, ý kiến của khách hàng được lắng nghe trong quá trình thiết kế và cung cấp các dịch vụ HIV, bác sĩ Eric Dziuban cho biết.

Bạn hỏi - Chuyên gia trả lời: Tất tần tật về HIV/AIDS.

Thu Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-di-dau-trong-viec-trien-khai-cab-tang-chat-luong-dich-vu-phong-chong-hiv-16923100916331007.htm