Việt Nam được trao quyền tổ chức ASEAN Para Games 11

Đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị trực tuyến tại Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Thể dục Thể thao

* Uzbekistan đăng cai Vòng chung kết U23 châu Á 2022

Ngày 25/2, thông tin từ Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, phiên họp lần thứ hai Hội nghị Hội đồng Thể thao các quốc gia Người khuyết tật Đông Nam Á (APSF) và công tác tổ chức ASEAN Para Games 11 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Tại hội nghị, lãnh đạo Liên đoàn Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á công bố biên bản về việc hủy tổ chức ASEAN Para Games 10 tại Philippines; phê chuẩn việc trao quyền tổ chức ASEAN Para Games 11 cho Việt Nam và quyết định tổ chức Đại hội Ban Chấp hành Liên đoàn Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á sẽ diễn ra vào tháng 12 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, phía chủ nhà Việt Nam báo cáo sơ bộ công tác chuẩn bị Đại hội tới các thành viên.

Việt Nam sẽ tổ chức 11 môn thi đấu ở các địa điểm: điền kinh (Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình từ ngày 18-22/12), bơi (Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình từ ngày 18-22/12), cử tạ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội từ ngày 19-21/12), cầu lông (Nhà thi đấu Cầu Giấy từ ngày 18-22/12), bóng bàn (Nhà thi đấu Bắc Từ Liêm từ ngày18-22/12), cờ vua (Nhà thi đấu Hà Đông từ ngày 18-23/12), bắn cung (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội từ ngày 18-22/12), bóng lăn người khiếm thị (Nhà thi đấu Quần ngựa từ ngày 19-22/12), quần vợt xe lăn (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội từ ngày 19-21/12), Bocia (Nhà thi đấu Tây Hồ từ ngày 18-22/12) và Judo (Nhà thi đấu Hoài Đức từ ngày 19-21/12). Đây cũng là nội dung quan trọng nhất mà các quốc gia quan tâm và thảo luận.

Theo ý kiến của các nước thành viên, có tổng số 24 môn được đề xuất đưa vào chương trình thi đấu của đại hội. Do tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế, Việt Nam có thể tổ chức tốt 11 môn thi và đây cũng đều là các môn được số đông các quốc gia lựa chọn. Vì vậy, việc bổ sung 1-2 môn thi đấu vào thời điểm này là rất khó khăn đối với nước chủ nhà.

Tính tới thời điểm hiện tại, nước chủ nhà Việt Nam đã thành lập được các Tiểu ban để điều hành Đại hội, gồm: Ban tổ chức, Trung tâm Điều hành, Tiểu ban Chuyên môn kỹ thuật, Tiểu ban Y tế và chống doping, Tiểu ban Lễ tân khánh tiết; Tiểu ban Khai bế mạc, Tiểu ban Thông tin và Truyền thông…

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội thể thao Người khuyết tật Việt Nam Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam tích cực chuẩn bị công tác tổ chức Đại hội, tuy nhiên mọi việc vẫn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19.

Về vấn đề phòng, chống dịch COVID-19, Ban tổ chức sẽ tuân thủ theo quy định của WHO và Chính phủ Việt Nam. Tùy vào tình hình thực tế, Ban tổ chức sẽ sớm gửi thông tin về giải pháp phòng, chống tới các nước thành viên.

Cầu thủ Quang Hải và Đình trọng đã thi đấu xuất sắc tại giải đấu VCK U23 châu Á vào năm 2018

Cầu thủ Quang Hải và Đình trọng đã thi đấu xuất sắc tại giải đấu VCK U23 châu Á vào năm 2018

* Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã rút lui đăng cai giải đấu VCK U23 châu Á 2022. Chính vì vậy, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã chấp thuận để Liên đoàn bóng đá Uzbekistan đăng cai VCK U23 châu Á 2022

Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, AFC đã xác nhận việc Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã xin rút quyền đăng cai VCK U23 châu Á 2022. Điều này buộc các quan chức AFC phải gấp rút tìm kiếm nước chủ nhà mới.

Sau nhiều ngày tìm hiểu địa điểm phù hợp trong thời điểm dịch Covid-19 đang phức tạp, cuối cùng AFC đã tìm ra được quốc gia đứng ra đăng cai giải đấu. Đó chính là Uzbekistan và đây cũng là lần đầu tiên một VCK U23 được tổ chức ở đất nước Trung Á này.

VCK U23 châu Á 2022 cũng là lần thứ 5 giải đấu này được tổ chức. Tổng cộng đã có 4 đội đăng quang ngôi vô địch sau 4 lần tổ chức trước đó, lần lượt là Iraq, Nhật Bản, Uzbekistan và Hàn Quốc.

N.HÙNG (tổng hợp)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/252755/viet-nam-duoc-trao-quyen-to-chuc-asean-para-games-11.html