Viết tiếp 'hào khí Điện Biên' nơi biên cương cực Tây Tổ quốc

Từ vùng đất khói lửa chiến tranh, chịu biết bao bom đạn cày xới, sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Từ vùng đất khói lửa chiến tranh, chịu biết bao bom đạn cày xới, sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nơi đây đã vươn mình đổi mới với nhiều thành tựu trong phát triển và hội nhập.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

Sức vươn nơi chiến địa

Mới đây, trò chuyện cùng cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trong Nam, ngoài Bắc về dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Báo Điện Biên Phủ, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nói như "khoe”: Sự kiện máy bay Airbus A321 mang số hiệu VN1802 (chặng bay Hà Nội - Điện Biên) của Vietnam Airlines và máy bay mang số hiệu VJ298 của Vietjet Air (chặng bay TP Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ) lần lượt hạ cánh xuống đường băng Cảng hàng không Điện Biên ngày 2/12/2023 là một dấu mốc quan trọng, bước tiến trong hành trình hội nhập của vùng đất này. Bởi đây là lần đầu tiên Điện Biên đón máy bay cỡ lớn như vậy sau khi Cảng hàng không Điện Biên được nâng cấp hoạt động trở lại đúng với vai trò, tầm vóc lịch sử.

Cảng hàng không Điện Biên Phủ là địa danh gắn liền với lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây vừa tròn 70 năm. Thời kỳ đó, đây là sân bay dã chiến Mường Thanh (còn gọi là Cứ điểm 206), một căn cứ tiếp vận rất quan trọng nằm trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp. Giờ đây sân bay này đã trở thành niềm tự hào của người dân Điện Biên, với quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400m, rộng 45m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại, cỡ lớn. Sân bay có công suất khai thác 500.000 hành khách/năm, công trình trở thành "cầu nối” Điện Biên với cả nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Điện Biên vươn mình hội nhập. Tiếp sau niềm vui ấy, người dân Điện Biên tưng bừng khánh thành cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm. Đây là điểm nhấn trong kiến trúc đô thị, giao thông quan trọng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng của TP Điện Biên Phủ theo tiêu chí đô thị loại II. Trong suốt những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Điện Biên đã phát huy sức mạnh nội tại để tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng KT-XH như một dấu ấn trong hành trình phát triển để phục vụ đời sống nhân dân.

Viết tiếp "hào khí Điện Biên”

70 năm trước, nhân dân cả nước đồng lòng, dốc sức cho Ðiện Biên Phủ để làm nên chiến thắng lịch sử "chấn động địa cầu”. 70 năm sau, từ ý chí, sức vươn lên mạnh mẽ cùng sự đồng hành, giúp sức của cả nước, Điện Biên đã khoác lên mình diện mạo mới, phát triển năng động. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Điện Biên giảm bình quân hàng năm từ 4% trở lên. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,1%, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 4/14 tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc. Người dân được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội... Sau chiến tranh, từ chỗ cơ sở hạ tầng gần như "không có gì”, đến nay Điện Biên đã cơ bản đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, mạng lưới giao thông. Nhất là ở các huyện xa, 100% xã có đường cho xe ô tô được cứng hóa vào đến trung tâm..., từng bước làm thay đổi diện mạo mảnh đất biên cương cực Tây Tổ quốc.

Góp phần vào sự phát triển năng động của Điện Biên hôm nay không thể không kể đến vai trò của đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ. Từ những con người nặng lòng với gian khó trên quê hương, họ đã biến "hào khí Điện Biên” năm xưa trở thành động lực phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của Điện Biên hôm nay. Điển hình như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, sinh ra và lớn lên trên quê hương Điện Biên, được tạo điều kiện để trưởng thành từ cơ sở nên anh luôn thấu hiểu những gian khó của vùng đất biên viễn cực Tây của Tổ quốc. Từ Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh Đoàn, sau được điều động, luân chuyển làm Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông..., ở cương vị nào anh cũng phát huy tinh thần, ý chí vươn lên mạnh mẽ, kề vai, sát cánh cùng đội ngũ cán bộ, trí thức của tỉnh Điện Biên mang đến những làn gió mới, khát vọng vươn lên với nhiều mô hình mới, cách làm hay trong phát triển KT-XH địa phương...

Để truyền cảm hứng, thổi bùng lên ngọn lửa tự hào với "hào khí Điện Biên”, khi còn là thủ lĩnh thanh niên, trong dịp hưởng ứng cuộc vận động "Góp đá xây Trường Sa”, anh Vừ A Bằng cùng tổ chức Đoàn thanh niên tham mưu ý tưởng xin đá Trường Sa về Điện Biên Phủ. Ý tưởng đó được ủng hộ, 21 hòn đá từ 21 điểm đảo Trường Sa giữa trùng khơi được gửi về Tây Bắc núi non hùng vĩ, hiện vẫn được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ như một minh chứng về những khát vọng non sông của những trí thức trẻ, người trẻ ở Điện Biên hôm nay. Trên cương vị mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng và những trí thức trẻ của tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực mang lại sự đổi thay để vùng đất này vươn mình mạnh mẽ, viết tiếp "hào khí Điện Biên” thời kỳ hội nhập.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/188947/viet-tiep-hao-khi-dien-bien-noi-bien-cuong-cuc-tay-to-quoc.htm