Vĩnh Phúc: Hai cây Đại hoa trắng hơn 300 tuổi tại Lập Thạch được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Ngày 19/5, UBND xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) kỷ niệm 10 năm ngày đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và công bố quyết định và đón nhận bằng Cây di sản Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh (ảnh trên), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam nhấn mạnh: Hai cây Đại hoa trắng gắn liền với di tích đình và chùa Đông Định, thôn Đông Định, xã Thái Hòa dù trải qua rất nhiều thế kỷ, cây vẫn xanh tươi, được nhân dân địa phương chăn sóc bảo vệ tốt mang giá trị ý nghĩa văn hóa và tính đặc trưng đầy đủ để được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Thương Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết, Di tích đình, chùa Đông Định là công trình kiến trúc tín ngưỡng nghệ thuật có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng quan trọng, có giá trị kiến trúc nghệ thuật phong phú của địa phương.

Chùa Đông Định (Thánh Long Tự) là công trình nghệ thuật tôn giáo, di tích lịch sử văn hóa, chùa được xây dựng thời Nguyễn từ trước năm 1838, với chứng tích lịch sử, chùa còn lưu giữ một chuông đồng có ghi bằng chữ nho “Hoàng triều Minh Mệnh, thập cửu niên, cửu nguyệt nhị thập lục nhật tạo đúc Hồng Chung”.

Tức là ghi lại ngày đúc chuông vào ngày 26 tháng 9 năm Hoàng triều Minh Mệnh thứ 19 (1838).

Công nhận 2 cây Đại hoa trắng là cây Di sản Việt Nam

Trải qua nhiều thời gian thăng trầm biến cố của lịch sử, ngôi chùa đã nhiều lần xuống cấp, hư hỏng, đã được nhân dân thôn Đông Định xây dựng tôn tạo lại khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng của phật tử và nhân dân.

Với những chứng tích lịch sử và sự nỗ lực gìn giữ, tôn tạo di tích của nhân dân làng Đông Định, xã Thái Hòa; ngày 25/1/2014, di tích chùa Đông Định đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Việc công nhận 2 cây Đại hoa trắng tại di tích đình và chùa Đông Định là Cây di sản Việt Nam góp phần tuyên truyền giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường cây di sản; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ cây cho người dân trong cộng đồng, gắn bảo tồn thiên nhiên cũng như đánh thức tiềm năng tham quan, du lịch văn hóa, quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương đến với người dân và du khách.

Tiến Dũng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-hai-cay-dai-hoa-trang-hon-300-tuoi-tai-lap-thach-duoc-cong-nhan-cay-di-san-viet-nam-a24957.html