Vốn đầu tư công cần được thực hiện đúng mục đích, đạt hiệu quả, tránh trục lợi

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 2-11, Quốc hội thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.

Tham gia thảo luận vào nội dung này, đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa đánh giá thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhiều dự án, công trình trọng điểm quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa

Tuy nhiên, trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân. Trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách, khoáng sản...còn nhiều vướng mắc, trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình cần được sớm tháo gỡ. Nguồn vốn đầu tư còn phân tán nhiều chương trình, chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư, phát triển nhanh và đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược, trọng điểm, quan trọng của quốc gia, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên vùng nhằm tạo tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực Trung bộ, và Tây Nam bộ. Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả. Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính vì vậy, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng đối với công tác này cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước, xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có giải pháp hiệu quả hơn nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và ba chương trình mục tiêu quốc gia... nhằm phát huy vai trò của đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà tổng cầu của thế giới và trong nước suy giảm.

Một yêu cầu hiện nay trong đầu tư công là chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tuy nhiên theo đại biểu, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình, dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Điều này, càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực đất nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục tiêu, đạt hiệu quả; ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực đất nước.

Liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đại biểu Lê Hữu Trí có ý kiến: Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022 quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư của dự án là 21.935 tỷ, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 15.096 tỷ (Trung ương: 13.831 tỷ, địa phương: 1.265 tỷ). Trong 13.831 tỷ nguồn vốn ngân sách Trung ương có 4.400 tỷ từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.

Sau 11 tháng kể từ ngày có Quyết định số 17 của Chính Phủ, dự án đã khởi công từ ngày 18-6-2023. Tuy nhiên, do dự án đi qua khu vục có địa hình, địa chất, thủy văn chia cắt, rất khó khăn phức tạp, đường tiếp cận hiện trường để huy động thiết bị, nhân lực khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán; diện tích đất rừng chiếm tỷ lệ lớn trong phạm vi giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng kéo dài, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt kéo theo chậm công tác giải phóng mặt bằng; đã làm chậm dây chuyền đến tiến độ chung của toàn dự án.

Theo báo cáo của Chính phủ, tỉ lệ giải ngân đến nay đạt 1.626/3.382 tỷ, kế hoạch năm 2023 đạt 48% (chủ yếu tập trung vào chi phí tư vấn, tạm ứng hợp đồng, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Hiện nay, các nhà thầu đã tập kết máy móc thiết bị, nhân lực và tổ chức các mũi thi công đồng loạt trên toàn dự án, đáp ứng tiến độ, chất lượng theo kế hoạch triển khai dự án).

Với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk; việc tổ chức triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi công các dự án thành phần theo các cơ chế đặc thù đã rút ngắn thời gian thực hiện từ 1,5 - 2 năm so với các dự án xây dựng đường cao tốc giai đoạn trước đây.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án; Bộ Giao thông vận tải và UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Đăk Lắk quyết liệt chỉ đạo tập trung hoàn tất các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và công tác thi công. Kính đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho kéo giãn thời gian sử dụng 4.400 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 2021 đến 2025. Vì nếu nguồn này bị cắt thì phải phê duyệt lại chủ trương đầu tư dự án do không đủ nguồn vốn để triển khai dự án. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế giao mỏ trực tiếp cho nhà thầu khai thác (như quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 43 của Quốc hội) nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia.

TRÍ NGHĨA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202311/von-dau-tu-cong-can-duoc-thuc-hien-dung-muc-dich-dat-hieu-qua-tranh-truc-loi-1750168/