Vốn 'mồi' kích cầu đầu tư (kỳ 1): doanh nghiệp chờ 'khơi' trở lại

Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang ngóng dòng vốn kích cầu đầu tư với lãi suất thấp được khơi thông trở lại. Nếu được tiếp cận sớm, họ có thể đầu tư nhà xưởng hoặc mua máy móc, công nghệ… nhằm bắt kịp nhu cầu của khách hàng cũng như 'tiếp sức' cho nền kinh tế TPHCM.

Chương trình cho vay kích cầu đầu tư của TPHCM sẽ được tái khởi động với nhiều điểm khác biệt so với trước, trong đó vốn vay có thể lên đến 200 tỉ đồng/dự án.

Nhờ được tiếp cận chương trình vốn kích cầu đầu tư TPHCM, Công ty TNHH Nhật Long ngày càng phát triển và có nhiều khách hàng nước ngoài. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Nhờ được tiếp cận chương trình vốn kích cầu đầu tư TPHCM, Công ty TNHH Nhật Long ngày càng phát triển và có nhiều khách hàng nước ngoài. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Vốn ‘mồi’ giúp doanh nghiệp tăng năng lực

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, cho biết nhờ tiếp cận được vốn hỗ trợ của chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM vào những năm trước mà công ty có cơ hội mở rộng tệp khách hàng, nhất là các nhà mua hàng nước ngoài.

Được duyệt dự án đầu tư máy móc thiết bị mới với khoản vay 8 tỉ đồng của chương trình, công ty Đức Minh đã mua được các dây chuyền, thiết bị hiện đại và tăng được 50% công suất sản xuất. Từ đó, doanh nghiệp cũng có cơ hội mở rộng khách hàng từ Nhật Bản và Hàn Quốc…, thay vì trước đó chỉ có khách hàng trong nước.

“Lãi suất ngân hàng vốn là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa khi có kế hoạch đầu tư. Do đó, khi thành phố có chương trình hỗ trợ phần lãi vay này là rất tốt để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thay đổi thiết bị công nghệ hiện đại hơn. Với khoản vay nói trên trong vòng 7 năm, chúng tôi được chương trình hỗ trợ khoảng 2,6 tỉ đồng tiền lãi vay”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Tương tự, ở ngành cơ khí, một số doanh nghiệp cũng nhận được các khoản vay và được chương trình hỗ trợ lãi suất để đầu tư máy móc thiết bị cũng như phát triển nhà máy mới với số tiến vay lên đến 100 tỉ đồng.

Hơn 20 năm tham gia sản xuất và cung ứng phụ tùng thay thế, Công ty TNHH Cơ khí Nhật Long cũng có các cơ hội được vay vốn từ chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM.

Nhờ các khoản vay đó, Nhật Long có điều kiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực, thiết bị, công nghệ phụ vụ sản xuất. Ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, từ một doanh nghiệp nhỏ, Nhật Long dần trở thành đối tác cung cấp phụ tùng, linh kiện công nghiệp cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế, giúp nhiều đối tác giảm phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.

Trên thực tế từ năm 2015 trở về sau, TPHCM đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có dự án đầu tư trong một số lĩnh vực được khuyến khích.

Trong giai đoạn 2015-2020, số vốn ngân sách TPHCM đã chi để hỗ trợ lãi vay cho các dự án là hơn 2.300 tỉ đồng. Tính bình quân, một đồng ngân sách bỏ ra đã thu hút được khoảng 9,54 đồng vốn đầu tư từ xã hội.

Điều này cho thấy, nếu gói kích cầu đầu tư mới triển khai thì không chỉ giúp cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội phát triển, mà còn tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới của thành phố.

Thông qua việc hỗ trợ lãi suất đã góp phần tác động tích cực phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên của TPHCM trong từng thời kỳ.

Đáng chú ý, từ nguồn vốn “mồi” của chương trình, một số doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh, có mặt trong tốp doanh nghiệp dẫn đầu nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trọng yếu của thành phố. Có những doanh nghiệp cũng tham gia vào chuỗi cung ứng của các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Toyota, Panasonic…

Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022, chương trình kích cầu đầu tư của thành phố bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp hụt hẫng, băn khoăn TPHCM có tiếp tục hay không và chính sách mới sẽ như thế nào?

Kỳ vọng sớm khởi động lại

Các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo được nhận khoản hỗ trợ này trong thời gian qua. Ảnh: Hùng Lê.

Các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo được nhận khoản hỗ trợ này trong thời gian qua. Ảnh: Hùng Lê.

Vào trung tuần tháng 2-2024, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), đơn vị đầu mối để cho vay và tài trợ cho các dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư, ký kết với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp.

Đây được xem là động thái mới để có thể kỳ vọng tái khởi động chương trình hỗ trợ vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết hiện nay, doanh nghiệp rất cần vốn với lãi suất ưu đãi để mạnh dạn đầu tư chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường ở châu Âu, Mỹ… cũng nhu bắt kịp xu thế kinh doanh mới.

“Chúng ta đang ở thời đại của kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và xanh hóa. Thế giới đang yêu cầu về chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, nếu doanh nghiệp chậm chuyển đổi sẽ mất cơ hội xuất khẩu”, bà Chi lưu ý.

Tuy nhiên, theo bà Chủ tịch FFA, phần lớn doanh nghiệp trong hội quy mô nhỏ, vốn thấp, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng còn hạn chế, thậm chí doanh nghiệp cũng khó có thể đầu tư vì lo ngại không thể trả lãi vay. Do vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng vào nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ của TPHCM và Chính phủ.

Xuất phát từ một doanh nghiệp cơ khí rất nhỏ, ông Ngô Long cũng cho rằng, những doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ rất khó có khả năng tự đầu tư phát triển nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, lãi suất vay ngân hàng cao hơn các nước nên các doanh nghiệp cũng sợ rủi ro vì khấu hao đầu tư máy móc chậm.

“Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… lãi suất vay ngân hàng đã thấp, doanh nghiệp ngành cơ khí nhỏ như chúng tôi còn được Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng rất thấp, thậm chí miễn lãi suất để có cơ hội đầu tư phát triển”, ông Long nói.

Việc thành phố sẽ tái khởi động lại chương trình kích cầu đầu tư từ khi có Nghị quyết 98 cộng đồng doanh nghiệp rất trông chờ. “Nếu chương trình triển khai sẽ tạo cơ hội, cũng như hỗ trợ để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất”, ông Long kỳ vọng.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bao bì, nhựa, dệt may… cũng đang có nhu cầu đầu tư cải tiến công nghệ, sản xuất hoặc mở rộng nhà xưởng để đáp ứng yêu cầu cao hơn về sản xuất thân thiện với môi trường từ các đối tác.

Ngoài yêu cầu có dự án đầu tư khả thi, báo cáo tài chính minh bạch, các doanh nghiệp cũng mong chính sách hỗ trợ cần “cởi mở” hơn để họ có thể mạnh dạn tiếp cận chương trình.

Chủ tịch HFIC, ông Nguyễn Ngọc Hòa, khẳng định sắp tới đây sẽ khác theo hướng hai bên đều có lợi. “Thay vì trước đây HFIC chờ doanh nghiệp liên hệ vay vốn mới thẩm định hồ sơ thì sắp tới đây HFIC chủ động mời gọi các doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị các điều kiện, phương án và HFIC sẽ hỗ trợ trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục vay vốn”, ông Hòa nói.

Quan trọng hơn, HFIC không đơn thuần là cho doanh nghiệp vay mà có thể kết nối doanh nghiệp với các nhà cung ứng.

Đại diện HUBA và HFIC ký kết vào tháng 2-2024.

Đại diện HUBA và HFIC ký kết vào tháng 2-2024.

“Bên doanh nghiệp đi vay lẫn cho vay đang sẵn sàng, chỉ chờ sự thúc đẩy và tạo các hành lang pháp lý bằng quyết định của UBND TPHCM”, ông Hòa nói và kỳ vọng đầu quí 2 tới, thành phố sẽ có văn bản triển khai để các doanh nghiệp nộp hồ sơ dự án.

Một vấn đề khác mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là chương trình sẽ ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước hoặc các dự án mang công trình công cộng.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc HFIC, đối tượng tham gia chương trình là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể 100% vốn trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, HTX, các đơn vị sự nghiệp công lập. Mức vốn vay tối đa cho mỗi dự án 200 tỉ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ mức 50%, 100% lãi suất/dự án tùy lĩnh vực. Thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm.

Việc tái khởi động chương trình này sẽ tạo “đòn bẩy” để doanh nghiệp quay lại đà phát triển.

Một số doanh nghiệp kiến nghị khi được duyệt ưu đãi, thành phố cần giải ngân vốn kịp thời. Bởi thực tế không ít doanh nghiệp đang khó khăn vì phải tự trả lãi khoản vay ngân hàng do chưa nhận được phần hỗ trợ lãi suất sau khi đã đầu tư.

Các dự án đầu tư phát triển ngành logistics; đầu tư vào lĩnh vực phát triển y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; đầu tư phát triển hạ tầng khu dân cư, khu đô thị cũng được HFIC đưa vào.

Các dự án tham gia thực hiện chương trình xây dựng thành phố thông minh, chương trình phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, chương trình chuyển đổi số… cũng sẽ được HFIC thúc đẩy.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/von-moi-kich-cau-dau-tu-ky-1-doanh-nghiep-cho-khoi-tro-lai/