Vovinam - Niềm tự hào của võ thuật Việt Nam

Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ, Vovinam đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.

Nội dung thi đấu Vovinam của Đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 22.

Nội dung thi đấu Vovinam của Đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 22.

Vovinam - Việt Võ Đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1938 tại Hà Nội. Sau đó, môn võ này được gọi là Vovinam gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ Đạo).

Đến năm 1960, cố võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng môn, tiếp tục quảng bá và phát triển Vovinam. Ông cùng các võ sư tìm tòi, nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng hoàn thiện, qua đó xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt.

Việc thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới năm 2008 tạo bước ngoặt cho sự phát triển phong trào Vovinam toàn cầu, khi Liên đoàn Vovinam các châu lục được thành lập ở châu Á, châu Âu, châu Phi… Từ đó, hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới diễn ra thường xuyên; ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng.

Đến nay, Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút hơn 2,5 triệu võ sinh luyện tập. Vovinam cũng trở thành môn thể thao truyền thống ở đấu trường SEA Games khi được tổ chức ở 4 kỳ tại Indonesia (2011), Myanmar (2013), Việt Nam (2022), Campuchia (2023) và đang được vận động tổ chức ở SEA Games 33 tại Thái Lan năm 2025.

Theo đánh giá, Vovinam là sự thâu tập kho tàng võ học phong phú của các cộng đồng cư dân cả nước, với nhiều phương pháp huấn luyện độc đáo, đặc dị, san định; đồng thời bổ sung phần thất truyền, để hệ thống hóa và hiện đại hóa thành môn phái võ đạo của Việt Nam.

Đặc điểm của môn võ này là sử dụng đòn tay không chân, cùi chỏ, gối và một số loại vũ khí như côn, dao, mã tấu, đao, kiếm… Vovinam góp phần xây dựng con người toàn diện; rèn luyện thể chất song song với tu dưỡng tinh thần để trở thành những con người có ý chí, nghị lực, khoan hòa, đức độ, biết sống vì mọi người, mưu cầu hạnh phúc chung cho gia đình và xã hội.

Hiện nay, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đang phát trển môn võ này ở khắp các tỉnh, thành phố và đẩy mạnh phong trào luyện tập trong học đường, cũng như nâng cao số lượng và chất lượng võ sinh.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xây dựng Học viện Vovinam tại TP. Hồ Chí Minh và sớm hoàn tất hồ sơ đăng ký Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận Vovinam là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/the-thao/202311/vovinam-niem-tu-hao-cua-vo-thuat-viet-nam-e8304b7/