VPBank đặt mục tiêu gấp đôi lợi nhuận, chia cổ tức tiền mặt 10%

VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và bầu bổ sung 2 thành viên vào Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng điều hành đại hội. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Đây là một số nội dung chính được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) diễn ra ngày 29/4 tại Hà Nội.

Theo đó, cổ đông VPBank nhất trí mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế tương đương 23.165 tỷ đồng cho năm 2024 tăng 114% so với năm trước. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận.Đồng thời, Công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau 2 năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 25% và 22% so với năm trước. Tổng tài sản hợp nhất dự kiến tăng 19%, đạt hơn 974.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank báo cáo tại đại hội. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Về phân phối lợi nhuận, Đại hội cũng đã thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông, tức mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II hoặc quý III năm nay. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Cũng tại đại hội, VPBank đã trình cổ đông xem xét phương án chuyển giao bắt buộc đối với một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại yếu kém. Tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng này không được vượt quá 5% so với quy mô tương ứng của VPBank tính đến ngày 31/12/2023; vốn điều lệ của tổ chức tín dụng này không được vượt quá 5.000 tỷ đồng.

Quang cảnh đại hội. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

VPBank cho biết, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do Ngân hàng VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.

Ngân hàng VPBank sẽ mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của ngân hàng VPBank.Liên quan đến nhận chuyển giao bắt buộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Chí Dũng cho biết về mặt năng lực tài chính, quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng bởi hiện các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ lũy kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ. "Xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không thiết tha gì với việc tham gia hỗ trợ ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, trường hợp của VPBank hơi đặc biệt. Do có sự tham gia của SMBC, VPBank có nền tảng vốn lớn. Thứ hai là trong chiến lược của VPBank thì tăng trưởng quy mô rất quan trọng", ông Dũng nói. Vì vậy, theo Chủ tịch VPBank, tham gia vào tái cơ cấu, ngân hàng tuy không có lợi ngay về mặt tài chính, nhưng sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành và được ưu tiên mở "room" nước ngoài. Các ngân hàng bị giới hạn room nước ngoài ở mức 30%, và hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tham gia vào VPBank. Nếu được nới room thì sẽ có điều kiện để nâng quy mô vốn của VPBank lên.

Theo các thông tin trước đó, VPBank dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc từ một trong số 4 ngân hàng yếu kém gồm: DongA Bank, OceanBank, CB và GPBank. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc ngân hàng nào sẽ được chuyển giao cho VPBank.

Đại hội thông qua việc việc bổ sung thêm hai thành viên mới vào Hội đồng quản trị, là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Tại đại hội, các cổ đông cũng đã bỏ phiếu tán thành việc bổ sung thêm hai thành viên mới vào Hội đồng quản trị, là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung. Như vậy, Hội đồng quản trị VPBank sẽ có 7 thành viên, gồm ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch; ông Lô Bằng Giang – Phó Chủ tịch. Các thành viên bao gồm ông Nguyễn Đức Vinh (kiêm Tổng Giám đốc), bà Phạm Thị Nhung (kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực) và ông Takeshi Kimoto đại diện cho cổ đông chiến lược SMBC. Thành viên Hội đồng quản trị độc lập là ông Nguyễn Văn Phúc.

Trước đó, cuối tháng 10/2023, VPBank đã công bố hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược SMBC. Thương vụ phát hành cổ phần đã mang về cho VPBank gần 36 nghìn tỷ đồng, gia tăng đáng kể sức mạnh tài chính của ngân hàng. SMBC cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ VPBank trong các hoạt động kinh doanh, thông qua kinh nghiệm, bí quyết và mạng lưới khách hàng của mình.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vpbank-dat-muc-tieu-gap-doi-loi-nhuan-chia-co-tuc-tien-mat-10/331475.html