VPBank nóng chuyện nợ tại FE Credit và nhận về ngân hàng 0 đồng

Chuyển giao bắt buộc một ngân hàng 0 đồng và nợ xấu tại FE Credit là mối quan tâm lớn của cổ đông Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra sáng nay, 29/4.

Đủ lực để nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng 0 đồng

Theo Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Hải Quân, VPBank đang trong kế hoạch tiếp nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD). Luật các TCTD mới đã có những điều kiện mở đường, tạo thuận lợi để ngân hàng tiếp nhận.

Do đề án chưa được phê duyệt chính thức nên HĐQT chưa thể công bố chi tiết kế hoạch này. Tuy nhiên, HĐQT trình ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT được quyền quyết định các vấn đề liên quan.

“Cổ đông hoàn toàn yên tâm vì chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng, việc này hoàn toàn dựa trên lợi ích của ngân hàng và cổ đông,” ông Bùi Hải Quân nói.

Trả lời thêm với các cổ đông, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho rằng không phải ngân hàng nào cũng đủ năng lực để nhận chuyển giao bắt buộc. Ông Dũng nói thẳng các ngân hàng 0 đồng đều lỗ lũy kế nên không phải ai cũng muốn nhận về. Nhưng với sự tham gia của đối tác SMBC, VPBank có đủ tiềm lực tài chính để tham gia tái cơ cấu một ngân hàng 0 đồng.

“Chúng ta sẽ được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức chung khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, được mở room cho nhà đầu tư ngoại lên cao hơn 30%. Về mặt tài chính thì có thể các ngân hàng không quan tâm, nhưng cơ chế, chính sách khi tham gia lại phù hợp và hấp dẫn với VPBank. Hơn nữa đây cũng là sự đóng góp của VPBank với hệ thống ngân hàng", ông Dũng thuyết phục cổ đông.

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ của VPBank, tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quy mô hoạt động của TCTD được chuyển giao bắt buộc (về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của VPBank tại thời điểm 31/12/2023; vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc không quá 5.000 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV do VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.

FE Credit tốt dần lên

Tại đại hội, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh đã thẳng thắn thừa nhận với các cổ đông những vấn đề của ngân hàng đến từ câu chuyện nợ xấu tại công ty con FE Credit.

Theo ông Vinh, 2 năm Covid-19 khiến nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ, nên nợ xấu của FE Credit tăng cao.

Kết quả kinh doanh của FE Credit (lỗ hơn 3.000 tỷ đồng) vẫn là điểm tối của ngân hàng trong năm qua, dẫn đến bức tranh chung về lợi nhuận của ngân hàng không đạt kỳ vọng.

“Tín hiệu tích cực là danh mục cho vay của FE Credit hiện nay dẫn đầu thị trường. Tăng trưởng giải ngân quý IV/2023 và quý I/2024 đều trên 20%, nợ xấu đã xuống dưới 20%. FE Credit đã tìm được các nguồn vốn giá rẻ hơn. Những yếu tố tích cực của FE Credit đã khiến chúng ta thấy rõ hơn những cơ hội trong năm nay”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng tự tin khẳng định lợi nhuận năm 2024 của FE Credit sẽ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, qua đó dần đưa doanh nghiệp này trở lại vị thế như vốn có. Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này từng đóng góp tới 40% lợi nhuận cho VPBank.

Ban lãnh đạo VPBank tại đại hội. Ảnh: VPB.

Dư nợ cho vay BĐS khoảng 90.000 tỷ

Một nội dung khác được cổ đông quan tâm là cho vay với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Ông Ngô Chí Dũng nói cho vay BĐS vẫn là an toàn, có chăng cho vay thời điểm thị trường sốt sẽ dẫn đến những tiêu cực.

“VPBank không tham gia tài trợ vốn cho các khoản vay có tính đầu cơ cao, nhưng tôi cho rằng BĐS vẫn là lĩnh vực an toàn nếu có đánh giá đúng”, ông Ngô Chí Dũng nói.

Bổ sung thêm, CEO Nguyễn Đức Vinh cho rằng nợ xấu của nhóm khách hàng cá nhân mua nhà bị ảnh hưởng từ CIC (nợ xấu từ ngân hàng khác) đang là vấn đề của nhiều nhà băng và là ảnh hưởng lớn nhất, lên tới 40%.

Theo ông Vinh, cho vay BĐS vẫn là một lĩnh vực tiềm năng, quan trọng, nhưng nó phải được quản lý và thắt chặt. Những rủi ro trong thời gian qua là bài học để ngân hàng cân nhắc cho vay trong thời gian tới.

Tỷ trọng cho vay BĐS hiện nay của VPBank nằm ở các nhóm: Xây dựng BĐS (19% tổng dư nợ), cho vay người mua nhà (16% tổng dư nợ). Tổng cộng dư nợ cho vay BĐS tại VPBank hiện khoảng 90.000 tỷ đồng (34 – 35%).

Ông Vinh khẳng định VPBank là một trong 3 ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất thị trường và đa phần là nhu cầu thực. Nên lĩnh vực này vẫn là định hướng quan trọng của ngân hàng trong năm nay.

“Nợ BĐS là nợ có khả năng xử lý cao nhất khi thị trường phục hồi. Cho đến nay chúng ta đã thu hồi được gần như 100% nợ gốc, tỷ lệ mất thật từ BĐS thấp hơn rất nhiều so với cho vay các lĩnh vực khác”, ông Vinh thông tin.

Lợi nhuận 2024 tăng 114%, cổ tức bằng tiền mặt 5 năm liên tiếp

ĐHĐCĐ VPBank thông qua kế hoạch năm 2024 với các chỉ tiêu như: Tổng tài sản hợp nhất 974.270 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2023); huy động vốn 598.864 tỷ đồng (tăng 22%), dư nợ tín dụng 752.104 tỷ đồng (tăng 25%), lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng (tăng 114%).

Đại hội cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% (01 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Ngân sách dành cho việc chia cổ tức lên đến 7.934 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp cổ đông VPBank được nhận cổ tức bằng tiền mặt. Thời điểm chia cổ tức dự kiến quý II hoặc quý III/2024.

Trong năm 2024 VPBank cũng sẽ phát hành thêm tối đa 30 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 10.000 đồng/cp.

ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu quốc tế bền vững. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 hoặc quý I/2025.

Cổ đông ngoại bước chân vào HĐQT Ngân hàng VPBank:

Các cổ đông đã bỏ phiếu tán thành việc bổ sung thêm hai thành viên mới vào Hội đồng Quản trị, là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung.

Như vậy, HĐQT của VPBank có 7 thành viên, gồm ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT; các Phó chủ tịch là ông Bùi Hải Quân, Lô Bằng Giang. 4 thành viên còn lại bao gồm ông Nguyễn Đức Vinh (kiêm Tổng Giám đốc), bà Phạm Thị Nhung (kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực), ông Takeshi Kimoto đại diện cho cổ đông chiến lược SMBC và thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Văn Phúc.

Ông Takeshi Kimoto sinh năm 1970 tại Nhật Bản, có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng SMBC, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản.

Trước khi được bầu vào HĐQT VPBank, ông giữ chức vụ Trưởng phòng Phòng Phát triển thị trường châu Á của SMBC (Singapore) và SMBC (Nhật Bản). Đồng thời, ông cũng là thành viên Ban Giám sát, Ngân hàng PT Bank BTPN Tbk tại Indonesia, một công ty con của SMBC.

Trong khi đó, bà Pham Thị Nhung sinh năm 1980 tại Tiền Hải, Thái Bình, có gần 20 năm làm việc trong ngành ngân hàng tại các nhà băng như Habubank (sáp nhập vào SHB năm 2012), SHB, và VPBank.

Bà Nhung gia nhập VPBank từ năm 2016 và được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc nhà băng này từ tháng 4/2021. Hiện bà là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực đồng thời còn là Giám đốc Khối quản lý đối tác và Quan hệ đối ngoại tại VPBank.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vpbank-nong-chuyen-no-tai-fe-credit-va-nhan-chuyen-giao-ngan-hang-0-dong-2275680.html