Vụ chung cư La Bonita: Ngân hàng gặp khó khi thu hồi tài sản

Mặc dù ngân hàng có ký hợp đồng thế chấp, tài sản đảm bảo là căn hộ tại dự án La Bonita…, nhưng hiện nay, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thẩm định tài sản.

“Nữ Việt kiều” kêu oan

Ngày 10/5, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại chung cư La Bonita, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Sau khi chủ tọa phiên tòa công bố nội dung vụ án, bị cáo Vũ Bảo Trinh (Việt kiều Mỹ, chủ Công ty TNHH bất động sản Nam Thị - Công ty Nam Thị) giữ nguyên nội dung kháng cáo. Các bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng không rút đơn kháng cáo.

Trình bày tại tòa, bị cáo Trinh cho biết, bản thân không có mục đích, hành vi, không nhận tiền để sử dụng cho mục đích cá nhân.

Bị cáo tham gia vào dự án của Công ty TNHH bất động sản Nam Thị (viết tắt là Công ty Nam Thị) từ 2011. Chủ sở hữu của Công ty Nam Thị là Công ty Kiến Quân. Bị cáo có góp cổ phần vào Công ty Kiến Quân chứ không phải Công ty Nam Thị.

Bị cáo Vũ Bảo Trinh (ngoài cùng, bên phải) tại tòa.

Theo trình bày, bị cáo và bị hại có nhiều hình thức để góp tiền xây dựng dự án chung cư La Bonita. Bị cáo không thuê ai để ký hợp đồng giả cách mua căn hộ rồi lấy hợp đồng đó để đi vay ngân hàng. Từ trước chỉ ký hợp đồng giả cách vay cá nhân, không nhờ ai ký hợp đồng để vay hộ bị cáo.

Liên quan đến nội dung bán trùng căn hộ cho nhiều người, bị cáo Trinh cho rằng, việc cơ quan chức năng xác định bị cáo Tô Văn Chí Tâm ký hợp đồng trùng lặp là chưa chính xác. Bởi có trường hợp người trong gia đình mua xong chuyển nhượng cho nhau, chứ không phải trùng lặp.

Theo bị cáo Trinh, chung cư La Bonita đã được Công ty Nam Thị thế chấp cho Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (Công ty tài chính Cao su Việt Nam) để vay số tiền 95 tỷ đồng bao gồm toàn bộ khu đất tại số 6-8 đường D2 và tài sản hình thành trên đất (kể cả tài sản hình thành trong tương lai).

Theo quy định thì tài sản đã thế chấp thì không được giao dịch, nhưng bị cáo cho rằng hợp đồng thế chấp và hợp đồng tín dụng này không có giá trị. Bởi Công ty Nam Thị không nhận được tiền giải ngân của Công ty tài chính cao su Việt Nam. Vì vậy, Công ty Nam Thị vẫn có quyền bán các căn hộ này cho khách hàng.

Tiền của bị cáo và tiền huy động của các bị hại đều được sử dụng để xây dựng tòa nhà, bị cáo không sử dụng cho mục đích cá nhân. Minh chứng là hiện nay tòa nhà đã được hoàn thành, cư dân đã vào ở.

Giám đốc chỉ biết ký hợp đồng

Khai trước tòa, bị cáo Hoàng Thái Anh (người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Công ty Nam Thị) cho hay, những lời trình bày tại cơ quan điều tra của bị cáo là hoàn toàn đúng.

Theo bị cáo Thái Anh, bị cáo được thuê làm giám đốc Công ty Nam Thị nhưng không biết việc tòa nhà đã được thế chấp tại Công ty tài chính cao su Việt Nam. Bị cáo chỉ là người ký hợp đồng với khách hàng.

“Bị cáo chỉ ký thôi chứ không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Các hợp đồng này bị cóa đều ký thông qua bị cáo Trinh. Khách hàng cũng đưa tiền cho bị cáo Trinh chứ bị cáo không trực tiếp nhận tiền từ khách hàng”, bị cáo Anh nói.

Các bị cáo tại tòa.

Theo bị cáo, bản thân tin tưởng bị cáo Trinh, không được hưởng lợi gì ngoài mức lương hàng tháng. Khi phát hiện sai phạm thì bị cáo đã chủ động gửi đơn tố cáo tới cơ quan cảnh sát điều tra. Nội dung này cũng được tòa cấp sơ thẩm ghi nhận và xét là tính tiết giảm nhẹ, tích cực phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra.

Tương tự, bị cáo Tô Văn Chí Tâm (nguyên Chủ tịch Công ty Nam Thị) cũng thừa nhận hành vi đúng với nội dung cáo trạng truy tố. Bị cáo không trực tiếp giao dịch với khách hàng. Bị cáo làm việc và ký hợp đồng với khách hàng thông qua bị cáo Trinh.

Liên quan đến nội dung trình bày trên, đại diện HĐXX cho rằng, dù không biết gì nhưng hành vi của 2 bị cáo đều không được pháp luật cho phép. Thậm chí, hành vi này đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trinh.

Ngân hàng gặp khó thu hồi tài sản

Được xác định là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện HDBank cho hay, ngân hàng có 15 khách hàng vay tiền để mua căn hộ tại dự án này. Đến nay, các khách hàng này đều không hợp tác nên ngân hàng không thu hồi được nợ.

Khi làm thủ tục vay tiền, khách hàng có ký hợp đồng thế chấp có tài sản đảm bảo là căn hộ tại dự án. Sau khi ký hợp đồng, HD Bank chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Nam Thị.

Nhưng hiện nay, khi khách hàng không trả tiền thì ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định tài sản. Theo đó, đại diện HD Bank yêu cầu tòa xác định dòng tiền này và đề nghị Công ty Nam Thị bồi thường cho ngân hàng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này khi có khách hàng vay tiền để mua căn hộ tại chung cư La Bonita.

Liên quan đến nội dung này, đại diện Hội đồng xét xử cho hay, việc xác định dòng tiền này bây giờ ở đâu là rất khó. Tòa cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ nhiều lần để đề nghị làm rõ vấn đề này. Hơn nữa, vụ việc này đã được phía Ngân hàng khởi kiện ở một vụ án dân sự khác.

Sau khi các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để xem xét các tình tiết, thời gian xét xử lại sẽ thông báo sau.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vu-chung-cu-la-bonita-ngan-hang-gap-kho-khi-thu-hoi-tai-san-d214842.html