Vũ điệu của cội nguồn
Những tiếng cồng tiếng chiêng vang lên rộn rã, cho từng vòng xoay ngày càng đắm say rạo rực, gần 800 nghệ nhân đã làm sống dậy nền văn hóa dân tộc của cả một miền cao nguyên nhiều huyền bí và đầy sức sống.
Cội nguồn sức sống
Giữa những ngày tháng 4 trên phố núi Pleiku (Gia Lai), từng đoàn nghệ nhân từ khắp các địa phương trong tỉnh nườm nượp tụ hội về quảng trường đại đoàn kết. Trên khuôn mặt từng người là sự háo hức, niềm tự hào xen lẫn sự tin tưởng. Lần thứ 3 ngày Hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai được tổ chức trong 3 ngày từ 12-14/4/2024, ở đó gần 800 nghệ nhân đại diện cho 7 dân tộc cùng nhau tụ hội để gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh và nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Trên những bãi cỏ, trong bóng cây rợp mát, hay những đêm sôi động, từng đoàn nghệ nhân đã tái hiện không gian sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc thông qua hoạt động phục dựng các nghi lễ truyền thống như lễ Mừng lúa mới, lễ cúng cầu mưa, lễ bỏ mả, mừng nhà rông mới… những nghệ nhân với niềm hân hoan đã trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; giao lưu với khách tham quan. Hàng ngàn người dân, hàng ngàn du khách đã thực sự choáng ngợp bởi sự đồ sộ của văn hóa các dân tộc ở Gia Lai. Các đoàn nghệ nhân đã ghi dấu ấn văn hóa đặc sắc qua các tiết mục đặc trưng mãn nhãn người xem với những đại dàn cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc.
Một trong những điểm nhấn của ngày hội là phần trình diễn cồng chiêng của các đoàn nghệ nhân. Các nghệ nhân đã thể hiện sự khéo léo, uyển chuyển và đam mê trong không khí rộn ràng, mang đến cho người xem cảm giác sôi động, phấn khởi và gần gũi trong không gian đầy màu sắc huyền bí của núi rừng Tây Nguyên.
Những bài chiêng mừng cúng giọt nước, cúng cầu mưa, ăn mừng ngày hội, chỉ cần đánh tiếng chiêng lên nghe là thấy rạo rực, phấn khởi, người Ba Na như thế nào, người Jrai như thế nào đều được tái hiện bằng những hoạt động trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng và các trò chơi dân gian như đi cà kheo, giã gạo chày đôi. Điều đặc biệt, giữa sắc màu văn hóa núi rừng Tây Nguyên Bahnar, Jrai làm chủ đạo, lần đầu tiên những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày phía Bắc hòa quyện cùng văn hóa bản địa Gia Lai. Hình ảnh các cô gái dân tộc Tày “say” cùng điệu xoang Bahnar thêm gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Chị Văn Thị Thanh Tuyền (dân tộc Tày, trú tại huyện Phú Thiện) vui mừng chia sẻ rằng ngày hội này rất ý nghĩa, giữa nền văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. Những người như chị Tuyền đại diện cho nền văn hóa phía Bắc cùng trình diễn cảm thấy rất tự hào. Không chỉ được học hỏi, giao lưu với nền văn hóa của người Bahnar, Jrai, qua ngày hội còn tìm thấy được nhiều đồng bào của dân tộc mình, từ đó gắn kết và phát triển thêm thành viên cùng lưu giữ văn hóa.
Trong những ngày hội văn hóa du lịch, những nghệ nhân cũng đã phục dựng lại một số nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua việc tổ chức phục dựng, các nghệ nhân, các già làng, trưởng thôn có dịp trao truyền lại cho lớp trẻ những kiến thức, nghi lễ phục dựng các lễ hội. Trong quá trình phục dựng, các nghệ nhân cũng đã cố gắng giữ lại nguyên bản sắc văn hóa dân tộc, để quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, những lễ hội, ngày hội trong những năm gần đây thu hút sự tham gia của các thế hệ trẻ, người dân ở nhiều lứa tuổi hơn. Họ cùng nhau tham gia diễn tấu đàn goong, đàn T’rưng, cồng, chiêng... Tất cả tạo nên sức sống mới cho văn hóa các dân tộc của địa phương. Giữ mạch nguồn văn hóa dân gian, dân tộc song hành với các nền văn hóa đương đại tại Gia Lai trong thời gian qua đã và đang được những người làm văn hóa dày công thực hiện. Những sân chơi văn hóa, không gian sinh hoạt nghệ thuật cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… ngày càng xuất hiện nhiều hơn thông qua các chương trình, lễ hội. Chính không gian mở đó là tiền đề để các dân tộc thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu văn hóa; góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa dân gian, dân tộc.
Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội còn triển lãm ảnh di sản văn hóa tại khu vực trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên”, giới thiệu những di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Gia Lai; trưng bày, giới thiệu đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày hội cũng là dịp để Gia Lai quảng bá hình ảnh, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, các điểm du lịch đẹp đến du khách gần xa. Du khách đến đây để được trải nghiệm, khám phá nét đẹp thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, không khí trong lành, hòa mình cùng không khí lễ hội.
Di sản xanh giữa dòng hiện đại
Các dân tộc tại Gia Lai có quá trình lịch sử - văn hóa lâu đời và là một trong những tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận năm 2005. Gần 20 năm qua, những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đã được chính quyền địa phương, các dân tộc ở Gia Lai nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Với những người dân Bahnar hay Jrai cùng nhiều dân tộc khác, cồng chiêng đã đi vào đời sống hằng ngày của con người, thể hiện tâm tư, tình cảm và trở thành một nhạc khí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Đây vừa là một linh khí để giao tiếp với thần linh trong các nghi lễ truyền thống, vừa là một tài sản có giá trị không thể thiếu trong đời sống tinh thần.
Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã chú trọng khai thác các yếu tố của không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch, kết hợp lễ hội với yếu tố di sản thiên nhiên, xây dựng các tour du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi mới, giúp cộng đồng bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch dịch vụ, xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Nổi bật nhất là những hoạt động trình diễn cồng chiêng và văn hóa dân tộc như mô hình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm” đã gặt hái những thành công trong việc thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng đúng nghĩa, đóng vai trò kích cầu cho “ngành công nghiệp không khói” Gia Lai.
Cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Gia Lai với những hình ảnh, video ngày càng được lan tỏa rộng rãi và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cảm nhận của mọi người. Cùng với cồng chiêng, nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Tây Nguyên khác như những lễ hội, những hội thi, hay các liên hoan văn hóa cồng chiêng vẫn thường xuyên được tổ chức.
Bên cạnh đó, việc sưu tập, bảo tồn và gìn giữ cồng chiêng cũng được chính quyền các cấp quan tâm. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 4.500 bộ cồng chiêng (nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên) và có 23 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân ưu tú, hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, có khoảng 900 nghệ nhân giỏi. Toàn tỉnh hiện có 32 nghệ nhân Bahnar, Jrai được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 10 nghệ nhân chỉnh chiêng và trình diễn cồng chiêng (3 người đã mất). Đây là những “báu vật nhân văn” đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn.
Ông Trần Ngọc Nhung - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai là sự kiện thường niên do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa các dân tộc. Đồng thời tạo cơ hội để người dân gặp gỡ, thắt chặt tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn, khuyến khích cộng đồng phát huy giá trị văn hóa trong đời sống.
Thông qua ngày hội, các nghi lễ truyền thống được gìn giữ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người dân. Đồng thời, từ việc giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa sẽ tạo điểm nhấn, nét đặc trưng riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân đồng bào dân tộc nói riêng, người dân tỉnh Gia Lai nói chung.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/vu-dieu-cua-coi-nguon-i731077/