'Vùng nắng bạc' hết rồi, các con có quay lại với bà không?

Tại Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn (quận Bình Thạnh, TP.HCM), hàng chục cụ bà lớn tuổi trở thành 'nhân vật chính' được biểu diễn trên sân khấu, được tri ân và yêu thương trong chương trình Vùng nắng bạc.

"Vùng nắng bạc kết thúc rồi, tụi con có còn đến với các bà nữa không”? Câu hỏi của cụ bà ở nhà dưỡng lão Vinh Sơn khiến mọi người sững lại, nhìn nhau với đôi mắt đỏ hoe...

Chương trình giao lưu văn nghệ Vùng Nắng Bạc tại Viện dưỡng lão tình thương Vinh Sơn, do các sinh viên năm ba khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM thực hiện, ngày 18-5, đã diễn ra với nhiều cung bậc vui buồn đan xen.

 Tập thể nhóm sinh viên cùng các cụ bà và khán giả tham gia chương trình. Ảnh: BTC

Tập thể nhóm sinh viên cùng các cụ bà và khán giả tham gia chương trình. Ảnh: BTC

Khi khách mời danh dự là "người biểu diễn"

Mới sáng sớm, Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn đã khác với không khí yên tĩnh thường ngày. Sân nhà dưỡng lão đã được chuẩn bị chỉn chu, đầy màu sắc. Các bạn sinh viên, người đẩy xe lăn, người dìu đưa các bà - khách mời danh dự vào chỗ ngồi. Có những cụ bà còn khỏe mạnh tự mình lom khom đến gặp sinh viên, tay bắt mặt mừng. Dù đã lớn tuổi nhưng các cụ vẫn còn rất minh mẫn, hoạt ngôn

Cụ Võ Hồng Gia, 90 tuổi sống tại nhà dưỡng lão khoảng 20 năm, vui vẻ kể lại: “Từ sáng sớm, các chị em đã bảo ban nhau ăn sáng đầy đủ, chuẩn bị tươm tất để giao lưu với các cháu”.

Tại buổi giao lưu, bên cạnh thưởng thức những tiết mục của ban nhạc và sinh viên, các cụ bà đã có dịp trổ tài, “khoe” giọng hát do chính họ dày công chuẩn bị trong mấy ngày qua.

Bà Đặng Thị Bê, 78 tuổi được xem như “ca sĩ” của viện dưỡng lão. Không chỉ biểu diễn hai bài hát, bà còn xung phong nhảy múa cùng với các bạn sinh viên trên sân khấu.

 Cụ bà Đặng Thị Bê biểu diễn các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng ban nhạc “Gần Đây”. Ảnh: LONG VŨ

Cụ bà Đặng Thị Bê biểu diễn các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng ban nhạc “Gần Đây”. Ảnh: LONG VŨ

Biết bà thích nhạc Trịnh Công Sơn, nhà dưỡng lão còn tặng riêng cho bà một cuốn lời bài hát chỉ toàn nhạc Trịnh. “Ngày nào, bà cũng cầm cuốn sổ đó, tập hát cả ngày. Khi có tụi mình đến nghe, cụ thích lắm và chỉ muốn chúng mình đến hoài thôi!” - một thành viên của Vùng Nắng Bạc kể lại.

 Cụ Trần Thị Hiếu, 76 tuổi góp thêm tiết mục hát cho chương trình. Ảnh: LONG VŨ

Cụ Trần Thị Hiếu, 76 tuổi góp thêm tiết mục hát cho chương trình. Ảnh: LONG VŨ

Sau những tiết mục biểu diễn nhiều tiếng cười, khán giả còn được xem phóng sự do nhóm sinh viên Vùng Nắng Bạc thực hiện trong nhiều ngày. Khoảnh khắc khi tất cả mọi người chăm chú theo dõi đoạn phim, không ít người đã bất giác rơi nước mắt.

Với thông điệp “Gom nắng, vọng thanh xuân”, Vùng Nắng Bạc khiến mọi người nhớ về những năm tháng của cuộc đời. “Vọng thanh xuân” không phải để luyến tiếc thời son trẻ, “vọng thanh xuân” là để nhớ về những thời khắc tươi đẹp trong cuộc đời, từ đó khiến mọi thời đoạn đều lấp lánh ánh nắng của riêng nó.

Nhiều cụ bà khóc đỏ mặt, xuýt xoa. Nhiều sinh viên và khán giả mắt ngấn lệ, xúc động vì thông điệp nhân văn chạm vào lòng rung cảm của mỗi cá nhân.

Bà Võ Hồng Gia - đại diện cho tất cả các cụ bà trong nhà dưỡng lão, chia sẻ: “Cảm ơn các sơ đã nuôi dưỡng hơn một trăm chị em chúng tôi". Tôi cũng thành tâm cầu chúc tất cả các bạn sẽ thành đạt trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống, giống như ‘Thăng Long’ vậy”.

 Cụ Võ Hồng Gia đại diện cho các cụ bà bày tỏ cảm giác hạnh phúc. Ảnh: LONG VŨ

Cụ Võ Hồng Gia đại diện cho các cụ bà bày tỏ cảm giác hạnh phúc. Ảnh: LONG VŨ

Kết thúc buổi giao lưu, BTC đã trao tặng cho mỗi cụ một bó hoa bất tử - biểu trưng cho sức khỏe và tinh thần lạc quan vĩnh cửu.

 Một cụ bà tại viện vui vẻ khi nhận được bó hoa bất tử đến từ BTC Vùng Nắng Bạc. Ảnh: LONG VŨ

Một cụ bà tại viện vui vẻ khi nhận được bó hoa bất tử đến từ BTC Vùng Nắng Bạc. Ảnh: LONG VŨ

Cũng vì sắp chia tay các cụ sau nhiều tháng đồng hành như gia đình, nhiều thành viên của Vùng Nắng Bạc tiếc nuối. Khi đứng trên sân khấu phát biểu suy nghĩ của mình, có sinh viên nghẹn ngào không thể nói hết thành lời.

Người già rất cần được nâng niu

Phát biểu tại sự kiện, cô Nguyễn Thị Minh Diệu, giảng viên thỉnh giảng khoa Báo chí và Truyền thông bày tỏ nỗi niềm nhớ gia đình, đồng thời tự hào vì sinh viên đã chọn cách sống đẹp và lan tỏa giá trị đẹp.

Vùng Nắng Bạc không chỉ gói gọn trong môn học tổ chức sự kiện, đây còn là thông điệp khơi dậy cho các bạn trẻ ý thức trân trọng tuổi trẻ, đồng thời bày tỏ sự chia sẻ, quan tâm đối với thế hệ “tuổi xế chiều”.

 Khu trưng bày hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của các bạn sinh viên trong nhiều tháng gắn bó với các cụ lại nhà dưỡng lão.

Khu trưng bày hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của các bạn sinh viên trong nhiều tháng gắn bó với các cụ lại nhà dưỡng lão.

“Mẹ con năm nay đã 90 tuổi. Con thấy được mẹ trong bóng dáng của các bà” - cô Minh Diệu nghẹn ngào

Chia sẻ với PLO, bạn Nguyễn Thị Hà Giang - trưởng BTC chương trình cho biết: “Ban đầu, đề tài viện dưỡng lão không phải là lựa chọn đầu tiên, tuy nhiên sự kiện đã vượt xa mong đợi của chúng mình.

Khi về già, người cao tuổi thường có nhiều thay đổi về tâm lý. Được lắng nghe, được chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là nhu cầu vô cùng thiết yếu. Vì vậy, BTC hy vọng “Vùng Nắng Bạc” có thể tiên phong cho việc tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ với người cao tuổi nhiều hơn.

Ngoài ra, chương trình còn phát động gây quỹ quyên góp cho đơn vị nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn. Nhờ có sự chia sẻ của giảng viên, chương trình đã lan tỏa được nhiều hơn với tổng số tiền lên tới 45 triệu đồng”.

 Những tiết mục vô vùng yêu đời của các cụ cùng với các bạn sinh viên.

Những tiết mục vô vùng yêu đời của các cụ cùng với các bạn sinh viên.

Nguyễn Hoàng An Nhiên, sinh viên năm hai trường ĐH KHXH&NV bộc bạch: “Chương trình đã đưa mình qua nhiều cung bậc cảm xúc. Mình thích nhất là những tiết mục vô cùng yêu đời của các cụ”.

Trước đó, chương trình còn tổ chức cuộc thi viết “Nắng trong mắt” để lan tỏa thông điệp yêu thương đến ông bà và người cao tuổi.

Nguyễn Lê Huyên, sinh viên năm hai ngành Báo chí trường ĐH KHXH&NV may mắn giành được giải Nhì với tác phẩm “Tớ kể cậu nghe”. Huyên chia sẻ: “Mình sống với bà nội từ nhỏ. Khi viết về bà, mình chỉ nghĩ đó là dịp để nói lời xin lỗi khi không dành nhiều thời gian bên bà.

Khi nhắc tới gia đình, họ thường hay nhắc đến cha mẹ mà quên đi thế hệ ông bà cũng cần được lắng nghe và quan tâm” - Huyên tâm sự thêm về lý do tham gia chương trình.

LONG VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/vung-nang-bac-het-roi-cac-con-co-quay-lai-voi-ba-khong-post791315.html