WHO cảnh báo căn bệnh đe dọa 40 quốc gia châu Âu

Chỉ trong năm 2023, các nước châu Âu ghi nhận hơn 42.000 trường hợp bị sởi, hơn một nửa trong số đó phải nhập viện và đã có 5 ca tử vong.

Trẻ em 1-4 tuổi là nhóm mắc sởi nhiều nhất ở châu Âu. Ảnh: Shutterstock.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đưa tin châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về số ca mắc bệnh sởi. Ước tính, khoảng 40/53 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên WHO tại châu Âu ghi nhận hơn 42.000 trường hợp mắc phải căn bệnh này trong năm 2023.

So với năm 2022, số người bị sởi ở châu Âu tăng gần 50 lần. Những tháng gần đây, sởi lây lan nhanh. WHO dự đoán bệnh sẽ tiếp tục bùng phát nếu khu vực này không thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn bệnh lây lan.

Tình hình đáng lo ngại

Thông tin thêm về tình hình sởi lây lan ở châu Âu, tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, cho biết chỉ tính đến tháng 12/2023, khu vực đã ghi nhận gần 21.000 ca nhập viện và 5 ca tử vong vì bệnh sởi.

Ông Kluge nhấn mạnh đây là tình hình đáng lo ngại và các quốc gia cần phải sẵn sàng để kịp thời phát hiện và ứng phó với dịch sởi.

"Tiêm chủng là cách duy nhất để bảo vệ trẻ em khỏi căn bệnh nhiều nguy cơ tiềm ẩn này. Chúng ta cần thúc đẩy quá trình tiêm chủng khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan", ông Kluge nói.

Theo WHO, năm 2023, bệnh sởi ảnh hưởng đến tất cả nhóm tuổi nhưng nhìn chung vẫn có sự khác biệt về sự phân bố độ tuổi giữa các quốc gia.

Dù vậy, 2 nhóm tuổi có nguy cơ mắc sởi cao nhất vẫn là trẻ 1-4 tuổi và người từ 20 tuổi trở lên. Cứ 5 ca mắc sởi thì có 2 ca là trẻ 1-4 tuổi và cứ 5 ca lại có một ca là người ở độ tuổi 20.

Sởi bùng phát mạnh ở châu Âu phần lớn là do tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2022. Đại dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến hệ thống tiêm chủng trong giai đoạn này.

Theo đó, số trẻ em không được tiêm vaccine hoặc không được tiêm đủ mũi ngày càng tăng. Ước tính hơn 1,8 triệu trẻ sơ sinh châu Âu không được tiêm phòng sởi trong năm 2020-2022.

Nhiều trẻ em chưa được tiêm vaccine nên có nhiều nguy cơ mắc bệnh sởi. Ảnh: Adobestock.

Năm 2019, tỷ lệ bao phủ vaccine sởi liều một ở châu Âu là 96%. Nhưng đến 2022, con số này chỉ còn 93%. Nếu xét về tỷ lệ bao phủ vaccine liều 2, con số giảm từ 92% vào năm 2019 xuống còn 91% vào năm 2022.

Ngoài vấn đề giảm tiêm chủng, mở cửa du lịch cũng là nguyên nhân khiến sởi bùng phát và lây lan nhanh hơn.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, các quốc gia bắt đầu nối lại hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời dỡ bỏ các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội... Điều này đã làm tăng nguy cơ lây bệnh xuyên biên giới, đặc biệt là tăng nguy cơ lây bệnh ở những người chưa được tiêm vaccine.

Nhiều quốc gia đã loại bỏ sởi khỏi nhóm bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, những nước này vẫn có nguy cơ gặp phải đợt bùng phát bệnh rất lớn và đột ngột nếu tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em không được duy trì ở mức cao, từ 95% trở lên.

Cần duy trì tỷ lệ bao phủ vaccine

WHO nêu rằng sự gia tăng đáng báo động của các ca bệnh sởi trong năm 2023 đã làm rõ tầm quan trọng của việc giải quyết bất bình đẳng tiêm chủng ở các quốc gia.

Nói chung, các nước cần duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng, trước mắt là xây dựng chiến lược tiêm chủng phù hợp với từng địa phương để xóa bỏ sự bất bình đẳng tiêm chủng.

Duy trì tiêm chủng vaccine là phương pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi hữu hiệu nhất. Ảnh: Freepik.

Hiện nay, WHO cùng các quốc gia châu Âu đã tăng cường triển khai các hoạt động tiêm chủng định kỳ và hỗ trợ các nước đang có đợt bùng phát dịch căng thẳng.

Những nơi bùng phát mạnh được kiểm tra để kiểm soát lây nhiễm, người dễ mắc bệnh cũng được ưu tiên tiêm vaccine sớm. Ngoài ra, WHO tăng cường giám sát dịch bệnh và nâng cao nhận thức cũng như giải quyết các mối lo ngại cho công chúng.

WHO nhấn mạnh rằng loại bỏ sởi và rubella vẫn là mục tiêu mà các quốc gia ở châu Âu đang hướng đến. Nền tảng của công tác phòng, chống dịch vẫn là khả năng miễn dịch cộng đồng cao, thu hẹp khoảng cách miễn dịch và liên tục giám sát để kịp thời phát hiện sự xuất hiện của dịch bệnh.

Các quốc gia, bao gồm những nơi chưa bị bùng dịch, cũng cần đánh giá lại khả năng miễn dịch cộng đồng, đồng thời xác định đúng điểm yếu của chương trình phòng, chống dịch để nhanh chóng cải thiện và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Để loại bỏ sởi hiệu quả, các nước cần duy trì tỷ lệ bao phủ 2 liều vaccine trên 95%. Việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cao và định kỳ sẽ thu hẹp mọi khoảng cách miễn dịch và phần nào phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

Thái An

Theo WHO

Nguồn Znews: https://znews.vn/who-canh-bao-can-benh-de-doa-40-quoc-gia-chau-au-post1458846.html