Xây dựng lộ trình về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống

Mỗi năm, ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động trực tiếp, gián tiếp. Thế nhưng, hiện nay, ngành đồ uống đang gặp nhiều khó khăn, cần có những trợ lực từ chính sách.

Người dân thắt chặt chi tiêu sau đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới dẫn đến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao... đang là những vấn đề nổi cộm tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành đồ uống. Đến nay, ngành đã và đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh từ doanh thu, lợi nhuận.

Từ thực tiễn hoạt động, ông Lâm Du An, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn cho biết, từ năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp giảm 10-15% so với năm 2019, năm 2022 doanh thu giảm 7% và năm 2023 doanh thu giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%.

Hiện nay, chi phí đầu vào và nguyên liệu thô cho ngành bia, như: Giá hoa houblon, lon bia, nắp chai, các nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển... đã tăng cao hơn so với mức lạm phát. “Các nhà máy sản xuất đang chịu giá đầu vào tăng 20-40%, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, trong khi giá bán không thể tăng”, ông Lâm Du An cho biết.

 Người dân lựa chọn các sản phẩm đồ uống tại cửa hàng ở quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Người dân lựa chọn các sản phẩm đồ uống tại cửa hàng ở quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Đánh giá ngành đồ uống đang gặp khó chồng khó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, ngành đồ uống đang gặp tác động tiêu cực kép từ đại dịch Covid-19, tác động của tình hình thế giới và những chính sách liên quan. Đáng chú ý, hiện nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được xem xét sửa đổi. Theo dự thảo luật, ngành bia rượu chịu một số tác động như điều chỉnh tăng thuế theo lộ trình, bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế...

Tình hình kinh tế năm 2024 dự đoán sẽ còn tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp ngành đồ uống bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, xem xét, cân nhắc, đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể, thời điểm hiện tại chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc tăng thuế 10% đối với bia có thể khiến sản lượng của ngành giảm đáng kể. “Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này đối với ngành đồ uống là chưa phù hợp. Điều đó có thể dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề không chỉ với doanh nghiệp sản xuất mà còn với cả chuỗi cung ứng và người tiêu dùng. Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại”-ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam kiến nghị.

Từ góc độ nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đồ uống nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Các chính sách ban hành cần bảo đảm nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

Do đó, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Có cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn cho hay, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; cùng với đó, kiến nghị giảm thuế VAT cho doanh nghiệp ngành đồ uống trong thời gian tới.

Bài và ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-lo-trinh-ve-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-do-uong-769503