Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa: Công đoàn và chuyên môn như hai bánh xe trên cùng một trục

Để xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp với người lao động thì công đoàn và chuyên môn cần như hai bánh xe trên cùng một trục.

Ghi nhận thực tế tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) cho thấy, trong mọi hoạt động, chuyên môn luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tổ chức công đoàn, từ phòng làm việc riêng cho công đoàn, hỗ trợ thời gian, phương tiện đi lại cũng như việc bổ nhiệm cán bộ làm công tác công đoàn giữ trọng trách trong doanh nghiệp… Ngược lại, công đoàn cũng tích cực phối hợp với chuyên môn từ việc xây dựng thiết chế văn hóa đến chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động...

Các cấp công đoàn VEAM thể hiện tốt vai trò trong chăm lo quyền lợi cho người lao động

Ông Mai Mạnh Dũng - Chủ tịch Công đoàn VEAM – cho biết, khi mới thành lập (năm 1997) VEAM có 16 công đoàn cơ sở, với 7.630 đoàn viên và người lao động, trong đó có 2 đơn vị liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay, công đoàn các liên doanh FDI trực thuộc Công đoàn Tổng công ty có 6/24 đơn vị, song tỷ lệ lao động chiếm xấp xỉ 72%/tổng số 16.773 công nhân viên chức lao động.

Những năm đầu hoạt động công đoàn các đơn vị FDI gặp nhiều khó khăn, cán bộ công đoàn hầu hết là kiêm nhiệm nên toàn bộ thời gian dành hết cho việc sản xuất kinh doanh, không có cơ chế rõ ràng cho cán bộ công đoàn để hoạt động, chuyên môn chưa thật sự hỗ trợ công đoàn về mọi mặt như: Thời gian làm việc, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ; đặc biệt, chưa đánh giá đúng vị trí vai trò của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp.

Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Đứng trước những khó khăn, thách thức như vậy, Công đoàn VEAM đã đưa ra quyết định mang tính chiến lược, đó là: Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn tại các công ty FDI có đủ năng lực trình độ, xứng đáng là chỗ dựa tinh thần cho người lao động, được chuyên môn đồng cấp tin tưởng.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa công đoàn và chuyên môn, công đoàn thường xuyên tổ chức hội thảo tại các đơn vị FDI với những chủ đề đa dạng, phong phú có sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam, đại diện giới chủ, lãnh đạo Tổng công ty VEAM.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa công đoàn và chuyên môn, Công đoàn Tổng công ty thường xuyên tổ chức hội thảo tại các đơn vị FDI với những chủ đề đa dạng

Báo cáo của Công đoàn VEAM cho thấy, từ năm 2003 đến nay, Công đoàn VEAM cùng công đoàn các công ty FDI tổ chức nhiều cuộc hội thảo với những chủ đề khác nhau, có thể kể đến như: Tăng cường sự phối hợp công tác để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, tại Hải Phòng; Nâng cao hiệu quả công tác tăng cường phối hợp hoạt động công đoàn cơ sở vững mạnh trong các liên doanh, tại Hạ Long; Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, vì sự ổn định và tiến bộ của doanh nghiệp, tại Đà Lạt; Lao động sáng tạo vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tại Cần Thơ; Thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở tại VEAM và các doanh nghiệp FDI, tại Phú Yên; Đàm phán, đối thoại trong giải quyết tranh chấp lao động tại nơi làm việc, tại Cần Thơ...

Thông qua các buổi hội thảo, công đoàn đã triển khai được nhiều chương trình mang lại lợi ích cho người lao động

Qua các kỳ hội thảo, công đoàn đã triển khai được nhiều chương trình mang lại lợi ích cho người lao động, công đoàn và chuyên môn như: Thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; nâng cao mức thu nhập cho người lao động trong các công ty liên doanh…

Đáng chú ý, trong mọi hoạt động, chuyên môn và công đoàn đều tạo điều kiện cho nhau; phối hợp cùng làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, cũng như xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động với chủ sử dụng lao động.

Những kết quả đạt được đã khẳng định tổ chức công đoàn chính là cầu nối giữa người lao động và chuyên môn đồng cấp. Đúng như câu nói của Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam “Công đoàn và chuyên môn như hai bánh xe trên cùng một trục”, Chủ tịch công đoàn VEAM chia sẻ.

Bên cạnh đó, hoạt động công đoàn cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Công đoàn Tổng công ty để đề ra mục tiêu, phương hướng, chương trình hoạt động của các công đoàn cơ sở nói chung và công đoàn các công ty FDI nói riêng, xây dựng chương trình công tác toàn khóa và cụ thể cho từng năm; công tác chỉ đạo điều hành luôn gắn với người lao động với sự phát triển của đơn vị; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị.

Năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn ngày càng được nâng cao

Đặc biệt, năng lực, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn quyết định hiệu quả các mặt hoạt động của tổ chức công đoàn; các cấp công đoàn đã thực hiện đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm xã hội, chăm lo bảo vệ để tạo niềm tin nơi người lao động đối với tổ chức công đoàn; kết hợp động viên khen thưởng không chỉ đối với người lao động, cán bộ công đoàn mà còn cả với lãnh đạo chuyên môn…

Hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp FDI có tính đặc thù do có yếu tố nước ngoài, vì vậy, Chủ tịch công đoàn VEAM kiến nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế riêng cho đối tượng này. Trên cơ sở hướng ưu tiên hoạt động về cơ sở, như chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ công đoàn; trích kinh phí để lại cho công đoàn trong doanh nghiệp FDI cao hơn so với loại hình doanh nghiệp khác...

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-moi-quan-he-lao-dong-hai-hoa-cong-doan-va-chuyen-mon-nhu-hai-banh-xe-tren-cung-mot-truc-316984.html