Xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Châu Thành đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (viết tắt Nghị quyết số 33), Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành (Sóc Trăng) đã triển khai, quán triệt nội dung nghị quyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình số 39-CTr/HU, ngày 18/11/2014 thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhìn lại một thập kỷ qua

Xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, hướng đến chân - thiện - mỹ, xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện.

Lãnh đạo huyện Châu Thành trao tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Phạm Anh Minh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết: “10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, huyện Châu Thành gặp không ít khó khăn, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động bất lợi đến tình hình phát triển của cả nước nói chung, của tỉnh và của huyện Châu Thành nói riêng. Nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân, huyện đã tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 33. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 chặt chẽ với nhiều nội dung, biện pháp, cách làm phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị và đã đạt được một số kết quả quan trọng”.

Thời gian qua, huyện Châu Thành đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư; các hoạt động hội thi, hội diễn được tổ chức hằng năm đang từng bước trở thành hoạt động truyền thống, thường xuyên của từng địa phương vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Công tác xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao cũng có những chuyển biến rõ rệt; có nhiều câu lạc bộ, sân tập thể thao do nhân dân tự xây dựng và đưa vào sử dụng.

Hằng năm, toàn huyện có trên 98% hộ gia đình được công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”; 100% ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện Châu Thành có chuyển biến tích cực; 100% ấp đã xây dựng quy ước có nội dung lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, góp phần tích cực trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân.

Nghị quyết số 33 đã tác động thiết thực

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc xây dựng hình ảnh người Châu Thành có nhân cách, lối sống tốt đẹp thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày vì người nghèo”, “Nhà tình thương, nhà đại đoàn kết”, “Nhà đồng đội”, “Mái ấm công đoàn”… được các địa phương, cơ quan, đơn vị trong huyện triển khai tích cực, hiệu quả. Nét đẹp văn hóa truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” được thể hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, trong từng khu dân cư, trong cộng đồng và ở nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt là sự sẻ chia, thấu hiểu, đồng tình và quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua.

Toàn huyện hiện có 59 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 11 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và lồng ghép phòng, chống bạo lực gia đình; thành lập 51 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 46 số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình phát sinh; xây dựng 1 mô hình điểm ứng xử trong gia đình, 8/8 xã, thị trấn có bố trí phòng tạm lánh cho đối tượng bị bạo lực gia đình. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, ngày càng thu hút đông đảo người dân, nhất là thanh thiếu niên tích cực tham gia.

Hiện số người tham gia tập luyện thể dục thể thao đạt khoảng trên 70%; tỷ lệ hộ gia đình luyện tập thể dục thể thao 31%; 100% số trường học trên địa bàn huyện đảm bảo việc thực hiện giáo dục thể chất; có nhiều loại hình câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao được thành lập, duy trì hoạt động đều đặn.

Phong trào tập luyện võ thuật ngày càng lan tỏa. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Châu Thị Chúc - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh huyện Châu Thành cho biết: “Hằng năm, trung tâm đã triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phát động “Ngày chạy Olympic toàn dân” với mục tiêu tạo ra một xã hội tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc của người dân. Huyện tổ chức trung bình từ 15 - 20 giải thi đấu, giao hữu thể dục thể thao, thu hút hàng nghìn cán bộ, công chức và nhân dân hưởng ứng. Các ban ngành, đoàn thể thường xuyên phối hợp tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao, huy động đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia. Đến nay, số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 70%”.

Việc xây dựng phong trào gương người tốt, việc tốt được các cấp, các ngành quan tâm, tích cực triển khai thực hiện. Trong 10 năm qua, đã biểu dương, khen thưởng 240 tập thể, 1.284 cá nhân điển hình tiên tiến, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ngành giáo dục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng giáo dục đạo đức công dân qua phong trào người tốt việc tốt, giáo dục truyền thống lịch sử trong cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể quần chúng, học sinh trong các trường.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và được mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể tích cực triển khai và phối hợp thực hiện có hiệu quả, góp phần đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển về chiều rộng và chiều sâu, thu hút trên 99% số hộ gia đình tham gia. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa trong toàn huyện đã tăng từ 85% (năm 2014) lên hơn 97,7% (năm 2023), trong đó có trên 90% số gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Đặc biệt, trong thời gian qua không phát sinh hành vi bạo lực gia đình phải bị xử lý.

Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội, nhiều di tích lịch sử, văn hóa được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Đến năm 2023, toàn huyện có 1 di tích lịch sử, 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (1 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh). Các di tích văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng giữ gìn, phát huy. Các lễ hội dân gian như lễ hội biểu diễn Lôi protip, Lễ hội Oóc om bóc - đua ghe ngo, lễ cầu an, cầu phước, hát múa rom vong, đội chhăy dăm, dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khmer được duy trì, góp phần bảo tồn nét văn hóa của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện đang mời gọi, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm về du lịch để hình thành các khu, điểm du lịch của địa phương (Khu du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên, làng nghề đan đát xã Phú Tân).

Định hướng tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33 trong thời gian tới, đồng chí Phạm Anh Minh nhấn mạnh: “Địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để khai thác, tôn vinh và phát huy giá trị của văn hóa bằng cách đề ra các chính sách thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần nâng cao chất lượng văn hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đưa văn hóa huyện Châu Thành trở thành một điểm sáng trong văn hóa của tỉnh”.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-chau-thanh/xay-dung-phat-huy-gia-tri-van-hoa-con-nguoi-chau-thanh-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-73095.html