Xây dựng xã hội học tập

Sau 26 năm thành lập và phát triển, Hội Khuyến học tỉnh đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng đi vào chiều sâu. Phóng viên (PV) Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Thanh Hải xoay quanh nội dung này.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Thanh Hải.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Thanh Hải.

* PV: Xin ông cho biết thành quả trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh trong 26 năm qua?

* Ông Phạm Thanh Hải: Hội Khuyến học tỉnh thành lập ngày 18/5/1998. Trong 26 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành GD&ĐT. Hội khuyến học các cấp đã nỗ lực làm tốt vai trò để tập hợp các lực lượng xã hội cùng triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thời kỳ đầu thành lập, Hội Khuyến học tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2007 trở lại đây, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng nên công tác khuyến học được quan tâm, đầu tư và phát triển mạnh ở các địa phương, cơ quan...

Cụ thể là, Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị (khóa X); Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, đề án, chương trình về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo từng giai đoạn. Nhờ đó, hệ thống tổ chức khuyến học ở tỉnh được phát triển sâu rộng, với trên 2.500 tổ chức.

Song song với công tác xây dựng tổ chức hội, công tác phát triển hội viên được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 255 nghìn hội viên, chiếm 19,6% dân số. Đây được xem là tổ chức xã hội có đông hội viên nhất trên địa bàn tỉnh. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã tăng cường vận động quỹ khuyến học, khuyến tài. Đến nay, con số này đạt trên 320 tỷ đồng, trao trên 1,2 triệu suất học bổng và khen thưởng cho học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, xuất sắc; học sinh đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với ngành GD&ĐT, các trường THCS, THPT, hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố và các nhà tài trợ triển khai có hiệu quả các chương trình học bổng phi chính phủ, đã kịp thời hỗ trợ hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường. Nổi bật là việc xây dựng và nhân rộng các mô hình học tập được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 220 nghìn gia đình học tập; 696 dòng họ học tập; 770 cộng đồng học tập thôn, tổ dân phố; 705 đơn vị học tập thuộc xã; 65 cộng đồng học tập cấp xã; 363 đơn vị học tập cấp huyện; 25 đơn vị học tập cấp tỉnh.

* PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, các cấp hội còn có những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

* Ông Phạm Thanh Hải: Hiện nay, nhận thức về Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư ở một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã, phường trong tỉnh còn hạn chế. Trong đó, vấn đề bố trí con người làm khuyến học chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, khó khăn lớn nhất ở một số huyện, thị xã, thành phố là vấn đề kinh phí hoạt động. Đơn cử như, hội khuyến học cấp huyện được ngân sách địa phương hỗ trợ chế độ phụ cấp cho lãnh đạo hội và một ít kinh phí hoạt động, còn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao và theo chương trình 387 và 677 của Thủ tướng Chính phủ chưa được quan tâm.

Ở cấp xã, đến nay, chủ tịch hội khuyến học của 82/173 xã, phường, thị trấn chưa được hỗ trợ phụ cấp hằng tháng theo Quyết định số 30/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1748/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Thực trạng này đã gây khó khăn cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở cơ sở; là trở ngại cho việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch của Chính phủ và UBND tỉnh về xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân.

Ngoài ra, trung tâm học tập cộng đồng là một thiết chế giáo dục không chính quy được luật hóa để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Song, chính quyền địa phương từ huyện đến xã ít quan tâm. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản giao các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình hợp nhất trung tâm văn hóa - thể thao với trung tâm học tập cộng đồng thành trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng để có cơ sở cho người dân, hội viên các đoàn thể học tập; đồng thời có cơ sở để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng... Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

* PV: Các cấp hội khuyến học trong tỉnh cần triển khai các giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trên, cũng như tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập?

* Ông Phạm Thanh Hải: Giải pháp đầu tiên là, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân theo tinh thần Kết luận số 49-KL/TW. Hiện nay, trung ương đã chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, các cấp hội sẽ kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá toàn diện, sâu sắc công tác này.

Hội Khuyến học tỉnh xác định, hội khuyến học các cấp trong tỉnh là lực lượng nòng cốt nhưng phải được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội, nhận thức của người dân thì công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mới đạt kết quả. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm lãnh đạo chỉ đạo để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Cùng với đó, hội khuyến học các cấp tiếp tục chủ động, tích cực, đổi mới cách làm khuyến học, thực hiện nhiệm vụ được giao cũng như hoạt động của hội, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trước mắt, Hội Khuyến học tỉnh sẽ triển khai tập huấn về đánh giá công nhận mô hình công dân học tập để mỗi công dân tự đánh giá. Tuy mô hình công dân học tập được ra đời sau, nhưng phải được triển khai nhanh hơn và về đích trước. Bởi vì, muốn có gia đình, dòng họ, cơ quan, cộng đồng, đơn vị học tập, thì phải đạt tỷ lệ công dân học tập theo bộ tiêu chí.

* PV: Xin cảm ơn ông!

DUY KHANG (thực hiện)

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202405/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-0e91385/