XK gạo tăng đột biến sang Âu-Mỹ, giữ 'ngôi vương' tại thị trường Singapore

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực châu Âu - châu Mỹ những tháng đầu năm 2024 tăng đột biến, trong đó tăng mạnh nhất là Cuba. Chưa kể, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên thành nguồn cung gạo lớn nhất vào thị trường Singapore với kim ngạch 3 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 36,15 triệu SGD.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực châu Âu - châu Mỹ những tháng đầu năm 2024 tăng đột biến (Ảnh minh họa)

Nổi bật là phở, bún, mỳ làm từ gạo đang được ưa thích

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo sang khu vực châu Âu - châu Mỹ có sự tăng đột biến khi đạt 181,2 nghìn tấn, trị giá 135,9 triệu USD, tăng 218,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu gạo sang Cuba đạt 82,9 triệu USD; tăng 492,1%; chiếm tỷ trọng 61,0% tổng xuất khẩu sang Âu Mỹ (trước đó quý I năm 2023, xuất khẩu gạo sang Cuba chỉ vào khoảng 14 triệu USD).

Tính riêng khu vực châu Âu, đạt 45,9 nghìn tấn với giá trị 41,4 triệu USD, tăng 117,9% so với cùng kỳ (trong đó ghi nhận lượng gạo xuất khẩu sang Pháp tăng đột biến, đạt 18,2 nghìn tấn với giá trị đạt 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Còn khu vực châu Mỹ đạt 135,3 nghìn tấn với giá trị là 94,5 triệu USD, tăng 298,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, xu hướng xuất khẩu các sản phẩm từ gạo đang tăng trưởng tích cực trong năm 2023 và tháng đầu năm nay.

Trong đó, nổi bật là các sản phẩm phở, bún, mỳ làm từ gạo hiện được người tiêu dùng ở khu vực này chọn lựa và mua nhiều.

Gạo Việt Nam trưng bày tại Singapore. (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Singapore)

Việt Nam cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường Singapore

Việt Nam lần đầu tiên vươn lên thành nguồn cung gạo lớn nhất vào thị trường Singapore với kim ngạch 3 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 36,15 triệu SGD.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore dẫn số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu gạo từ thế giới của thị trường Singapore tăng mạnh ở mức 23,86% so với cùng kỳ, đạt gần 112,9 triệu SGD.

Trong 3 tháng đầu năm, thị trường nhập khẩu gạo tại Singapore tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt cả về số lượng và giá trị nhập khẩu.

Có 6/9 nhóm gạo chính đều tăng trưởng tốt, một số có mức tăng rất cao như: Gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (tăng 165,41%), gạo nếp (tăng 131,95%), gạo đồ (tăng 251,55%).

Và 3/9 nhóm gạo còn lại của Singapore sụt giảm là gạo tẻ trắng (giảm 36,05%), gạo lứt thường (giảm 10,7%), gạo lứt hom ma li (giảm 0,61%).

Chiều hướng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore từ năm 2023 tiếp tục được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2024 do 2 nguyên nhân chính là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự phục hồi nhanh lượng du khách du lịch đến Singapore.

Ba tháng đầu năm 2024 cũng đánh dấu sự vươn lên của Việt Nam, lần đầu tiên là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore trong giai đoạn gần đây, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Ấn Độ, Thái Lan lần lượt giữ 2 vị trí tiếp theo với kim ngạch lần lượt là 33,63 triệu SGD và 33,16 triệu SGD. Cả 3 nước xuất khẩu hàng đầu chiếm 91,21% thị phần gạo tại Singapore.

Thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp của Singapore cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng rất tốt, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, diểm đáng chú ý sau 3 tháng đầu năm 2024 là bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, 2 nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%.

Đây là nhân tố chính đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.

. Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/xk-gao-tang-dot-bien-sang-au-my-giu-ngoi-vuong-tai-thi-truong-singapore-20240428233459650.htm