Xu hướng ra nước ngoài mở nhà máy, lập công ty… để tìm lợi thế kinh doanh
Trước bối cảnh kinh doanh đầy khó khăn và cạnh tranh khốc liệt, một số doanh nghiệp Việt đã xoay xở tìm đến những vùng đất xa xôi để mở nhà máy sản xuất, hay đi lập công ty ở nước ngoài… để tăng lợi thế cạnh tranh.
Tìm đất nước xa xôi mở nhà máy
Giữa bối cảnh sản xuất và chế biến trong nước kém cạnh tranh do hạn chế nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như chi phí nguồn lao động đang gia tăng…, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng, xoay xở tìm cơ hội ở các nước có lợi thế cạnh tranh hơn dù rất xa xôi và đầy khó khăn phía trước.
Trong số này phải kể đến các doanh nghiệp chế biến nông sản mà cụ thể là các công ty kinh doanh chế biến hạt điều xuất khẩu.
Công ty Long Sơn, một doanh nghiệp chế biến hạt điều lớn xuất khẩu trong nước, đang đầu tư nhà máy sản xuất ở Bờ Biển Ngà nhằm tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ của đất nước Tây Phi này để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Công việc đầu tư của dự án có vốn hàng triệu đô la Mỹ được doanh nghiệp cho triển khai vào năm ngoái và dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong những tháng tới. Đây được xem là một trong số doanh nghiệp Việt hiếm hoi rót vốn vào đất nước xa xôi ở lục địa đen cho hoạt động chế biến và sản xuất.
Trao đổi với KTSG Online, ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, cho biết hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp ông nói riêng và các doanh nghiệp điều nói chung trong 3 năm qua gặp nhiều khó khăn, thua lỗ…
Nguyên nhân là thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ với khoảng 75-80% phải nhập khẩu để chế biến, nên các năm qua các doanh nghiệp tranh nhau mua hạt điều thô ở các nước với giá cao. Tuy nhiên khi bán ra cũng tranh nhau bán để sớm thu hồi vốn vì năng lực tài chính có hạn. Tình trạng “tranh mua – tranh bán” này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam cạnh tranh lẫn nhau, dẫn đến nhà nhập khẩu nắm lấy điểm yếu này mà “ép giá”.
Nhận thấy bất lợi này, Công ty Long Sơn đầu tư nhà máy ở Bờ Biển Ngà, đất nước cung ứng nguyên liệu điều lớn cho Việt Nam, để tăng lợi thế cạnh tranh. Theo ông Sơn, Việt Nam đang dẫn đầu về xuất khẩu điều nhân trên thế giới và công nghệ chế biến điều nhân của Việt Nam đang là thế mạnh.
Ngay cả khi các nước châu Phi bắt đầu đẩy mạnh chế biến thời gian qua thì công nghệ vẫn chưa bắt kịp Việt Nam. Do đó, đầu tư nhà máy và sản xuất chế biến tại ngay vùng nguyên liệu sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cao cho công ty thay vì nhập thô về Việt Nam chế biến rồi xuất khẩu.
Đại diện kinh doanh của một công ty điều của Nigeria cũng cho biết, công ty của này đã nhập khẩu dây chuyền của Việt Nam để chế biến và hiện nay đã có sản phẩm hoàn chỉnh, xuất sang châu Âu với giá rẻ hơn từ Việt Nam. Dù chưa có nhiều nhà máy như vậy ở châu Phi nhưng xu hướng mở rộng đang tăng lên, vì sản xuất ngay tại vùng nguyên liệu sẽ có giá thành rẻ hơn và vận chuyển cũng gần hơn.
Tương tự, với ngành dệt may vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm nay, nhưng lợi thế về lao động giá rẻ đang mất dần. Do đó để cạnh tranh hơn, có doanh nghiệp cũng đang xoay xở tìm cách mở rộng sản xuất ở nước ngoài.
Đơn cử như Công ty cổ phần May Sông Hồng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, công ty đã công bố kế hoạch đầu tư sang Ai Cập nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và được miễn thuế xuất sang Mỹ.
Theo ban lãnh đạo May Sông Hồng, việc đầu tư sang Ai Cập sẽ giúp công ty tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường nhờ tiết kiệm được nhiều chi phí. Cụ thể, chi phí nhân công tại Ai Cập hiện thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do của Ai Cập cho phép hàng sản xuất tại nước này xuất khẩu sang Mỹ được miễn thuế 100%, thời gian vận chuyển đường biển sang châu Âu và Mỹ cũng ngắn hơn đáng kể so với từ Việt Nam.
Nếu kế hoạch này được thực hiện thì May Sông Hồng được xem là một trong những doanh nghiệp dệt may hiếm hoi “ngược dòng” đầu tư ra nước ngoài mà đi xa đến tận Ai Cập.
Câu chuyện doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài không mới nhưng trong những năm qua, phần lớn doanh nghiệp đầu tư vào quốc gia hoặc khu vực nào là sẽ tập trung khai thác ở chính những thị trường đó.
Tuy nhiên, việc đầu tư của doanh nghiệp đang cho thấy mở rộng ở những quốc gia xa xôi hơn, không khác thác thị trường tại chỗ mà tận dụng vùng nguyên liệu dồi dào, chi phí lao động còn thấp… để gia tăng lợi thế cho sản xuất và xuất khẩu.
Lập công ty ở nước ngoài tìm lợi thế
Đáng chú ý là ở Trung Đông, khu vực còn “kén” đầu tư kinh doanh, nhưng gần đây cũng gia tăng sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ bên lề diễn đàn kinh doanh với chủ đề “Kinh doanh tại Việt Nam” do Phòng Thương mại Quốc tế Dubai (Dubai Chamers) tuần qua ở TPHCM, ông Mohammad Ali Rashed Lootah, Chủ tịch Dubai Chambers cho biết, cách đây 10 năm chỉ có 14 doanh nghiệp Việt đang ký làm thành viên của Dubai Chambers. Đến tháng 7-2023, con số này tăng lên là 89 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kể từ khi văn phòng Dubai Chambers được khai trương tháng 7 năm ngoái, số doanh nghiệp Việt gia nhập thị trường Dubai tăng lên nhanh chóng. Tính đến quí 1-2024, đã có 147 doanh nghiệp Việt đăng ký làm thành viên của Dubai Chambers và nhận được những quyền lợi từ các sáng kiến, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh toàn diện.
Không chỉ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp mà phạm vi ngành nghề cũng đa dạng hơn. Hiện các doanh nghiệp Việt kinh doanh tại Dubai gồm chế biến sản phẩm, cà phê, may mặc, tài chính, phần mềm…
Trên thực tế, việc mở rộng kinh doanh ở Dubai của các doanh nghiệp không chỉ khai thác thị trường tại chỗ mà còn vươn ra thế giới.
Mở văn phòng đại diện xúc tiến thương mại tại Dubai trước đây, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO TNI King Coffee chia sẻ, Dubai là cánh cổng vươn ra thế giới rất tốt, các doanh nghiệp từ 198 quốc gia được miễn thuế và được Chính phủ hỗ trợ thủ tục đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Salem Al Shamsi, Phó Chủ tịch toàn cầu Dubai Chambers cũng cho rằng, kinh doanh ở Dubai tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp nhờ dễ dàng kết nối toàn cầu và là quốc gia có những ưu đãi về thuế…
Cùng với đó, một số doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp Việt do nhận thấy chính sách thuế trong nước kém cạnh tranh và khung pháp lý chưa hoàn chỉnh… nên quyết định ra nước ngoài mở thêm công ty hoặc khởi nghiệp bằng cách thành lập pháp nhân ở nước ngoài.
Thành lập pháp nhân ở nước ngoài chiếm phân lớn là các nhà khởi nghiệp về công nghệ, Fintech, thương mại điện tử… Theo startup Việt thành lập công ty ở Singapore, thủ tục thành lập tại nước này rất đơn giản, nhanh chóng khi một doanh nghiệp nước ngoài chỉ mất 2 ngày và vốn tối thiểu 1 đô la Mỹ là đã có giấy phép hoạt động.
Với nhiều chính sách ưu đãi như thủ tục mở công ty đơn giản, miễn giảm thuế trong các năm đầu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài mở công ty ở sở tại, hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện, cơ hội gọi vốn và vươn ra thế giới dễ dàng hơn…, Singapore đang trở thành điểm dừng chân của các startup ngoại, trong đó có người trẻ Việt.
Tại Việt Nam, nhiều startup, bằng cách này hay cách khác đang thành lập công ty ở Singapore nhưng đội ngũ chủ chốt vẫn ở Việt Nam. Thực tế hiện vẫn còn một số ngành chưa mở cửa với nhà đầu tư ngoại, hoặc hạn chế tỷ lệ sở hữu… Độ trễ của chính sách đã khiến một số startup rời khỏi Việt Nam. Các startup cho rằng họ phải sang nước khác như Singapore đăng ký kinh doanh mới có thể nhận đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, chính sách thuế kém cạnh tranh cũng khiến doanh nghiệp Việt “lách” bằng cách mở thêm công ty ở nước ngoài. Gần đây, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh không ít doanh nghiệp Việt lập thêm công ty ở nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhằm giảm nghĩa vụ thuế.
Cụ thể khi góp ý về Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, VCCI cho rằng theo quy định hiện nay, dịch vụ xuất khẩu kinh doanh trên Internet, sản xuất nội dung số, ứng dụng, trò chơi điện tử… được hưởng thuế VAT 0%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn bị áp mức thuế 10% do chưa phân định được rõ ràng giữa dịch vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo VCCI, các doanh nghiệp đã cung cấp cho cơ quan thuế nhiều thông tin như dữ liệu của các nền tảng trung gian (Google, Apple), IP người dùng, thanh toán ngân hàng, hợp đồng, email. Thậm chí, có đơn vị buộc phải tách sản phẩm thành hai phiên bản cho thị trường trong nước và nước ngoài, nhưng vẫn không được cơ quan thuế chấp nhận.
“Không ít cá nhân, doanh nghiệp lập thêm công ty tại nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên thế giới, nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp”, VCCI thông tin.