Xử lý nghiêm vi phạm, giữ an toàn hồ chứa

Lợi dụng các hồ chứa có diện tích lớn, xa khu dân cư lại chưa có mốc lộ giới, nhiều hộ dân tự ý san gạt đất để trồng cây, làm đường đi và xây dựng công trình trái phép. Hành vi này không chỉ gây mất an toàn hồ chứa, tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống thiên tai.

Phát hiện nhiều vụ vi phạm

Hồ Cây Đa, xã Đông Phú (Lục Nam) được xây dựng từ năm 1974 với diện tích lưu vực 8,8 km2, dung tích thiết kế gần 2,4 triệu m3 nước. Hồ cung cấp nước tưới cho 400 ha đất canh tác thuộc các xã: Đông Phú, Tam Dị, Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam), đồng thời tạo nguồn để khai thác nước sạch phục vụ nhân dân khu vực hồ và chống lũ quét, phòng, chống lũ cho lưu vực.

Hộ ông Nguyễn Văn Cát tự ý cuốc đất bồi đắp bãi trồng cây trong lòng hồ Cây Đa.

Hộ ông Nguyễn Văn Cát tự ý cuốc đất bồi đắp bãi trồng cây trong lòng hồ Cây Đa.

Thời gian qua, hồ Cây Đa trở thành “điểm nóng” bởi các hành vi lấn chiếm, xâm phạm lòng hồ và hành lang an toàn bảo vệ hồ. Mới đây, cùng cán bộ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Lục Nam có mặt tại hồ, chúng tôi nhận thấy một số vi phạm mới phát sinh.

Điển hình, hộ ông Nguyễn Văn Cát, thôn Cây Đa, xã Đông Phú tự ý cuốc đất bồi đắp làm bãi trồng cây, xâm lấn lòng hồ 525 m2. Cách đó khoảng 300 m, ông Nguyễn Văn Huấn, thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị (cùng huyện) đào đất đồi, hạ cấp làm đường đi, san gạt đất xuống lòng hồ với khối lượng 487,5 m3.

Anh Nguyễn Văn Duyến, Cụm trưởng Cụm thủy nông Bãi Lời (Xí nghiệp KTCTTL Lục Nam) nói: “Các vi phạm này được chúng tôi phát hiện, lập biên bản tại thời điểm cuối tháng 5 và cuối tháng 6. Sau khi Công ty có công văn đề nghị UBND xã Đông Phú xử lý theo thẩm quyền thì chỉ có ông Nguyễn Văn Huấn khắc phục vi phạm. Tuy nhiên qua kiểm tra, việc khắc phục chưa đúng như cao trình và hiện trạng ban đầu”.

Toàn tỉnh hiện có 41 hồ chứa do các công ty TNHH một thành viên KTCTTL: Bắc Sông Thương; Nam Sông Thương quản lý với tổng dung tích thiết kế 329,9 triệu m3 nước. Tại các hồ chứa có hơn 50 trường hợp vi phạm, trong đó số vi phạm mới phát sinh từ đầu năm đến nay là hơn 10 trường hợp.

Toàn tỉnh hiện có 41 hồ chứa do các công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương và Nam Sông Thương quản lý với tổng dung tích thiết kế 329,9 triệu m3 nước.

Các hồ cung cấp nước tưới, tạo nguồn nước sạch, cải thiện môi trường sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, chống lũ quét và phòng, chống lũ cho lưu vực. Khai thác lợi thế từ hồ, bên cạnh những cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm quy định, không ít trường hợp cố tình vi phạm, ngang nhiên xâm lấn lòng hồ.

Qua thống kê, tại các hồ chứa có hơn 50 trường hợp vi phạm, trong đó số vi phạm mới phát sinh từ đầu năm đến nay là hơn 10 trường hợp. Điển hình, tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thành (SN 1986), trú tại thôn Ngành, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) đến thuê đất tại thôn Tam Chẽ, xã Sơn Hải (Lục Ngạn) rồi tập kết vật liệu, xây dựng nhiều hạng mục phục vụ phát triển du lịch tại vị trí cấm mọi hành vi vi phạm.

Tương tự, các ông Giáp Văn Mạnh, Phạm Hữu Văn ở xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) cũng xây nhà nổi, tường rào, làm bục sân khấu trái phép trên hồ Cấm Sơn. Tại hồ Cầu Rễ, xã Tiến Thắng (Yên Thế), lợi dụng khu vực xa khu dân cư, đi lại khó khăn, ông Lương Văn Quân, thôn Song Sơn, xã Tiến Thắng nhiều lần huy động máy móc đắp đập ngăn một phần hồ làm ao nuôi cá. Hiện ông Quân đã tạm dừng đắp đập song vẫn chưa khắc phục hậu quả, trả lại nguyên hiện trạng.

Tăng cường kiểm tra

Thực tế, hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh đều có công văn yêu cầu các huyện, TP phối hợp với đơn vị KTCTTL xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm công trình thủy lợi, trong đó có những vi phạm tại các hồ chứa. Mặc dù vậy, các vụ xâm lấn hồ chứa chưa được xử lý dứt điểm, nhiều vi phạm tồn tại thời gian dài. Ví như vi phạm đắp đập chắn ngang eo thuộc lòng hồ Cầu Rễ với diện tích 1 nghìn m2 của gia đình ông Lương Văn Sáng, thôn Song Sơn.

Mặc dù đã khắc phục song ông Nguyễn Văn Huấn chưa trả lại đúng hiện trạng ban đầu, vẫn xâm lấn hồ Cây Đa.

Mặc dù đã khắc phục song ông Nguyễn Văn Huấn chưa trả lại đúng hiện trạng ban đầu, vẫn xâm lấn hồ Cây Đa.

Dù hành vi này đã được phát hiện, lập biên bản và chuyển hồ sơ cho UBND xã Tiến Thắng từ năm 2017 song đến nay vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để, còn khoảng 30 m2 xâm phạm lòng hồ. Tương tự, các vi phạm mới phát sinh tại hồ Cây Đa cũng chưa được UBND xã Đông Phú xử lý.

Ông Hoàng Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương nói: “Do lợi ích kinh tế, trong khi các hồ xa khu dân cư, chưa có mốc lộ giới nên nhiều trường hợp cố tình vi phạm, xâm lấn lòng hồ. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi chủ động kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính rồi bàn giao hồ sơ cho UBND các địa phương xử lý theo thẩm quyền”.

Hành vi xâm phạm các công trình thủy lợi nói chung, xâm phạm hồ chứa nói riêng không chỉ đe dọa tới sự an toàn các công trình mà cho thấy tình trạng chấp hành pháp luật của một số người dân chưa nghiêm, sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm của chính quyền địa phương. Để chấn chỉnh, mới đây, UBND huyện Lục Nam có công văn yêu cầu UBND xã Đông Phú chủ trì kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm tại hồ Cây Đa, nếu vượt thẩm quyền phải tổng hợp, báo cáo UBND huyện.

Đối với các vi phạm tại hồ Cấm Sơn, UBND huyện Lục Ngạn giao cơ quan chuyên môn thiết lập hồ sơ vi phạm, đề xuất Chủ tịch UBND huyện xử phạt. Về phần mình, các công ty KTTCTTL yêu cầu các cụm thủy nông tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm. Nếu trường hợp vi phạm xảy ra mà không nắm bắt kịp thời, để vi phạm ngày càng lớn, các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.

Cùng đó, các công ty xây dựng kế hoạch, đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện cắm mốc lộ giới tại các hồ chứa. Hiện Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương được bố trí hơn 1 tỷ đồng để cắm 400 mốc tại các hồ: Cấm Sơn, Khuôn Thần, Suối Nứa và đập dâng Kè Sơn (hoàn thành cắm trong năm nay) .

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/408844/xu-ly-nghiem-vi-pham-giu-an-toan-ho-chua.html