Xuất ngoại không như mơ

Gạt bỏ con đường học vấn, Duyên đi xuất khẩu lao động với ước mơ đổi đời. Nhưng sau khi ra nước ngoài làm việc, cô mới biết xuất ngoại không như mơ.

Tốt nghiệp THPT, Duyên không học đại học mà quyết định đi xuất khẩu lao động để mở mang tầm nhìn, có thu nhập cao. Từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ gánh gồng, lo toan, nuôi hai chị em Duyên. Duyên là lớn nên cảm thấy mình phải có trách nhiệm phụ giúp mẹ kiếm sống. Nhìn mấy chị trong làng sang Nhật làm ăn, ai cũng gửi về cho gia đình khoản nọ khoản kia để mua đất, mua xe nên Duyên tin là mình sẽ đổi đời nhờ xuất ngoại.

Thi đến lần thứ ba mới đỗ, Duyên háo hức chuẩn bị cho ngày lên máy bay đến với "miền đất hứa". Mẹ Duyên lo một khoản tiền lớn đặt cọc với công ty xuất khẩu lao động cũng chật vật, chạy vạy khắp nơi. Duyên chỉ mong sang đó làm ăn, nhanh chóng trả hết nợ cho mẹ, rồi tích cóp làm vốn liếng để khi hết thời hạn hợp đồng thì về nước, mở một tiệm kinh doanh nho nhỏ làm cắt tóc, gội đầu hoặc mở shop quần áo, giầy dép… Duyên đã vẽ ra một viễn cảnh tốt đẹp ở phía trước.

Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như mơ ước.

Sang đến Nhật, Duyên làm ở bộ phận đóng gói thực phẩm. Công việc không có nhiều để có thể tăng ca. Nhiều hôm Duyên còn được nghỉ sớm. Ở tập thể không phải ai cũng hợp tính ai nên nhiều người thích ăn riêng, không chung đụng gì hết. Những ngày đầu sang xứ người, Duyên nhớ nhà, nhớ quê đến phát khóc, thèm được ăn một bữa cơm quây quần đông đủ có mẹ, có em nhưng chẳng thể có được. Gọi video về nhà cho mẹ, Duyên toàn phải nén tiếng thở dài, miệng vẫn cố cười tươi, khoe: “Ở đây thích lắm, vui lắm mẹ ạ! Mẹ cứ yên tâm về con, mẹ nhé”. Nhưng hễ tắt máy là Duyên lại ứa nước mắt.

Công việc đã không có nhiều, đồng tiền lại trượt giá nên thu nhập của Duyên cũng hao hụt, không được như tính toán ban đầu. Trừ các chi phí ăn uống, sinh hoạt, mỗi tháng Duyên chỉ dành dụm được hơn chục triệu gửi về cho mẹ. Nếu cứ thế này thì hơn một năm cũng chưa chắc đã hòa vốn, biết đến bao giờ mới giàu được. Duyên buồn buồn, nghĩ ngợi, ngao ngán, hóa ra không phải ai xuất ngoại cũng may mắn, cũng giàu được. Có khi ở quê mình, chăm chỉ làm tăng ca ngay trong công ty gần nhà, ăn cơm mẹ nấu, cũng có thể để ra được số tiền đó. Vậy thì việc gì phải đi sang xứ người xa xôi như thế này. Những lúc ốm, lúc đau không biết cậy nhờ ai?

Quả nhiên có đợt về đêm, Duyên cứ đổ máu cam. Sợ hãi, lo lắng, Duyên đi khám ở bệnh viện bên đó nhưng không rõ bệnh gì. Người cứ gầy gò, xanh xao, mệt mỏi khiến Duyên nghĩ đến bệnh ung thư. Mấy cô bạn cùng quê thì cứ béo phây phây nên khuyên Duyên về nước khám cho kỹ. Duyên còn trẻ lắm, không thể buông xuôi được. Duyên quyết định xin nghỉ phép một tháng, mua vé máy bay về Việt Nam để khám tổng quát. Bác sĩ kết luận Duyên chỉ bị nóng trong, viêm xoang nên kê thuốc điều trị. Cả tháng Duyên ở nhà nghỉ ngơi, được ở gần mẹ, gần em, được ăn những món ăn quen thuộc nên tăng cân, da dẻ hồng hào, khỏi cả cháy máu cam.

Một tháng ở nhà, Duyên có người yêu cùng xóm. Chuyện tình cảm hoàn toàn không thể dự liệu trước được. Thành sửa xe máy, đã gần ba mươi tuổi nên khi hai người nảy sinh tình cảm, Thành chỉ muốn “cưới vợ liền tay” nên không muốn Duyên đi Nhật nữa. Nhưng hết phép, Duyên vẫn phải sang Nhật để làm nốt hợp đồng. Lần này trở lại xứ người, mu bàn tay Duyên lại nổi u to tướng, không hiểu là bệnh tật gì. Người yêu ở nhà giục về nước chữa bệnh, cho rằng Duyên không hợp khí hậu bên đó. Thế là Duyên quyết định về hẳn, không còn mơ mộng chuyện làm giàu nhờ xuất ngoại nữa.

Bàn đi tính lại với mẹ, Duyên không muốn xuất ngoại nữa. Mặc dù số tiền Duyên làm được chưa hòa vốn nhưng Duyên không muốn trải nghiệm thêm nữa. Nhà Thành mang trầu cau sang hỏi cưới nên mẹ Duyên đồng thuận để Duyên lấy chồng. Tương lai phía trước với Duyên sẽ là làm vợ, làm mẹ, làm con dâu rồi quanh quẩn với ruộng vườn, đi làm công ty may gần nhà. Tự dưng Duyên thấy nuối tiếc. Nếu Duyên tỉnh mộng sớm hơn thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Đâu phải cứ xuất ngoại là sẽ đổi đời theo hướng tích cực.

TRẦN THÚY LÀNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xuat-ngoai-khong-nhu-mo-381440.html