Xung quanh kỳ thi đánh giá năng lực học sinh

Ngày càng nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực học sinh do một số trường đại học uy tín tổ chức nhằm đảm bảo sự khách quan cũng như chất lượng tuyển sinh đầu vào. Đối với học sinh, kỳ thi đánh giá năng lực mở thêm "cổng" vào đại học, nhất là đại học tốp cao, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn...

Thêm cơ hội cho học sinh

Nhiều năm trước đây, tuyển sinh đại học được thực hiện theo phương thức thi tuyển và xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, điểm trung bình các môn học kết hợp tiêu chí phụ; tuy nhiên, phương thức này tồn tại một số bất cập do sự khác nhau trong cách đánh giá, cho điểm giữa các trường THPT.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Bình Sơn dự thi khảo sát của trường để đánh giá năng lực sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2022

Học sinh lớp 12, Trường THPT Bình Sơn dự thi khảo sát của trường để đánh giá năng lực sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2022

Hơn nữa, từ năm 2020, Kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến kỳ thi không còn mang tính chất "2 trong 1" mà chủ yếu để phục vụ xét tốt nghiệp THPT, do đó, ngày càng ít trường đại học, nhất là những trường top cao sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh, xét tuyển đại học.

Từ thực tiễn đó, một số trường đại học uy tín đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh để phục vụ công tác tuyển sinh, xét tuyển đại học nhằm đảm bảo đầu vào. Điển hình như Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để phân loại học sinh THPT sau tốt nghiệp, dự báo chất lượng nhân lực phổ thông, phục vụ tuyển sinh và kết quả học tập bậc đại học... thu hút hàng chục nghìn thí sinh tham gia.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy lần đầu vào năm 2020 thu hút hơn 5.600 thí sinh; năm 2022, đợt đầu kỳ thi đánh giá tư duy thu hút hơn 10.000 học sinh... Thí sinh có thể tham gia nhiều đợt thi đánh giá năng lực và lấy kết quả đợt thi cao nhất để xét tuyển đại học. Kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được nhiều trường đại học trong khu vực coi trọng và dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo thông tin, dự kiến tuyển sinh năm học 2022-2023, phía Bắc có hơn 60 trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của Trường đại học Quốc gia Hà Nội và Trường đại học Bách khoa Hà Nội; phía Nam có hơn 80 trường dùng kết quả thi đánh giá năng lực do Trường đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, chiếm hơn 63% trong tổng số khoảng 240 trường đại học, học viện trong cả nước, với 20-60% chỉ tiêu dành cho thí sinh dự thi đánh giá năng lực.

Tiến sĩ Vương Văn Sơn, Phó trưởng Khoa Đào tạo, phụ trách Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải (GTVT), cơ sở Vĩnh Phúc cho biết: “Với kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các trường đại học đảm bảo được tính khách quan cũng như chất lượng tuyển sinh đầu vào; học sinh giảm áp lực thi cửa, được mở thêm “cổng” vào đại học, nhất là trường tốp cao. Kỳ thi cũng phù hợp xu thế coi năng lực là yếu tố tiên quyết của sinh viên. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức thi này góp phần đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Đối với Trường đại học Công nghệ GTVT, năm học 2022-2023, dự kiến tuyển sinh 3.000 sinh viên, trong đó chỉ tiêu dành cho thí sinh tham gia bài thi đánh giá tư duy của Trường đại học Bách Khoa chiếm 20-40%…”.

Tác động tích cực đến dạy và học

Tuy nhiên, để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, học sinh gặp một số khó khăn như việc đăng ký theo hình thức online, có quy định thời gian nên xảy ra tình trạng nghẽn mạng; các trường đại học giới hạn số thí sinh dự thi mỗi đợt, trong khi số thí sinh đăng ký đông nên nhiều thí sinh không đăng ký được; nhiều giáo viên và học sinh cho rằng nội dung đề thi các kỳ thi đánh giá năng lực của trường đại học có phổ kiến thức rộng, đòi hỏi cao về năng lực tư duy, gắn bài tập với thực tiễn và khác với việc học tập ở trường phổ thông...

Em Nguyễn Thị Thu An, học sinh lớp 12 Trường THPT Bến Tre, thành phố Phúc Yên cho biết: "Để phục vụ cho nguyện vọng xét tuyển vào Trường đại học Ngoại thương nên em đã túc trực nhiều ngày để đăng ký tham dự được kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại đợt thi tháng 2/2022, em đạt 80 điểm nên em tiếp tục đăng ký tham gia đợt thi tháng 4/2022 với hy vọng đạt điểm cao hơn, nhưng nhiều ngày nay em chưa đăng ký được. Qua theo dõi em được biết, đợt thi tháng 4/2022 tiếp nhận 4.500 thí sinh dự thi trong khi có 27.000 lượt thí sinh đăng ký khiến em và nhiều bạn rất lo lắng”.

Hiện tại, các trường THPT đang nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ học sinh, giúp các em chủ động, tự tin và giành kết quả cao tại kỳ thi đánh giá năng lực để thuận lợi xét tuyển vào trường đại học.

Thầy giáo Hà Thái Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, huyện Sông Lô cho biết: “Nhà trường có 190/303 học sinh lớp 12 có nguyện vọng xét tuyển đại học năm học 2022-2023. Nhằm giúp các em thuận lợi xét tuyển vào đại học, ngoài việc tăng cường luyện tập, nhà trường chỉ đạo nhóm giáo viên cốt cán với nhiệm vụ tổng hợp các đề thi đánh giá năng lực của trường đại học, sau đó, hướng dẫn học sinh ôn tập; Ban tư vấn hướng nghiệp cung cấp cho học sinh lịch thi bài thi đánh giá năng lực của các trường đại học. Nhà trường cũng tạo điều kiện về thời gian khi học sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực…”.

Thầy giáo Kim Văn Bính, trưởng nhóm giáo viên hỗ trợ học sinh ôn luyện kỳ thi đánh giá năng lực, Trường THPT Yên Lạc cho biết: “9 giáo viên trong nhóm thường xuyên cập nhật thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học và hướng dẫn học sinh đăng ký, đăng nhập.

Tại đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của trường đại học, hầu hết học sinh lớp 12 của nhà trường đã đăng ký thành công. Các thầy, cô giáo còn sưu tầm đề thi đánh giá năng lực của các trường đại học để học sinh ôn luyện và tổ chức thi thử trực tuyến giúp các em củng cố, nâng cao kiến thức, năng lực…”.

Bài. ảnh: Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/75357/xung-quanh-ky-thi-danh-gia-nang-luc-hoc-sinh.html