Ý nghĩa xã hội của đạo Phật

Mỗi năm vào giữa tháng Tư, những Phật tử chúng ta, xuất gia hay tại gia, đều kỷ niệm ngày sanh ra tại thế giới này của Đức Phật. Đây là dịp để mỗi người nhớ lại, học hỏi thêm về ý nghĩa sự ra đời của Đức Phật.

Phải tư duy lại, tìm hiểu thêm, vì chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết Đức Phật, những công việc và lời giảng dạy của Ngài ở thế giới này. Sở dĩ như vậy, vì như kinh Pháp hoa nói, “Chỉ có Phật mới hiểu Phật”.

Cả thế giới đều kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Thích-ca, đó không phải là ngày sanh của một người, mà là ngày sanh của chính Giác ngộ tại cõi đời này. Bởi thế mà có câu nói của Đức Phật “Trên trời dưới trời, duy chỉ Ta là tôn quý độc nhất”. “Ta” này chẳng phải là một cái ta, cái tôi nào cả, “Ta” này chính là sự giác ngộ. Từ đó mà trong ngôn ngữ loài người mới có những từ ngữ giác ngộ, giải thoát, chứng ngộ, đại ngộ, tỉnh ngộ… Từ đó mới có con đường Phật giáo gồm bốn tầng thánh của bậc A-la-hán và Thập địa của con đường Bồ-tát.

Khi vừa giác ngộ, Đức Phật đã nhìn thấy tất cả chúng sanh như sau:

“Như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng, có một số hoa sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt khỏi mặt nước. Có một số hoa sen sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn tới mặt nước. Có một số hoa sen sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm ướt. Cũng vậy, có hạng chúng sanh nhiễm ít bụi đời, nhiễm nhiều bụi đời, có hạng dễ dạy, khó dạy…”. (Kinh Đại bổn)

Kinh Hoa nghiêm, phẩm Như Lai xuất hiện, nói:

“Bấy giờ Như Lai dùng trí nhãn thanh tịnh vô ngại xem khắp tất cả chúng sanh trong pháp giới mà nói rằng: Lạ thay! Lạ thay! Các chúng sanh này có đầy đủ trí huệ Như Lai mà ngu si mê lầm chẳng biết chẳng thấy. Ta nên đem thánh đạo dạy cho họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước, để từ trong thân họ thấy được trí huệ Như Lai rộng lớn, như Phật không khác”.

Trong kinh Pháp hoa, phẩm Thọ học Vô học nhân ký, Đức Phật thọ ký cho các bậc A-la-hán (Vô học) và hàng Hữu học (từ Tu-đà-hoàn đến A-na-hàm) sẽ thành Phật. Sau đó, trong phẩm Pháp sư tiếp theo, Đức Phật thọ ký cho tất cả chúng sanh.

“Dược Vương! Trong đại chúng đây vô lượng hàng chư Thiên, Long vương, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân, và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, hạng cầu Thanh văn, hạng cầu Độc giác Phật, hạng cầu Phật đạo, các loại như thế đều ở trước Phật nghe kinh Diệu pháp liên hoa một bài kệ, một câu, cho đến một niệm tùy hỷ đó, ta đều thọ ký họ sẽ được Giác ngộ Vô thượng”.

Với thấy biết gồm trọn đại trí huệ và đại từ bi của Phật, ngài đã lên đường giảng dạy đạo giác ngộ, tức là đạo Phật. Sự việc giảng dạy đạo giác ngộ được gọi là chuyển bánh xe Pháp (Chuyển Pháp luân).

Cả thế giới đều kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Thích-ca, đó không phải là ngày sanh của một người, mà là ngày sanh của chính Giác ngộ tại cõi đời này. Bởi thế mà có câu nói của Đức Phật “Trên trời dưới trời, duy chỉ Ta là tôn quý độc nhất”. “Ta” này chẳng phải là một cái ta, cái tôi nào cả, “Ta” này chính là sự giác ngộ. Từ đó mà trong ngôn ngữ loài người mới có những từ ngữ giác ngộ, giải thoát, chứng ngộ, đại ngộ, tỉnh ngộ… Từ đó mới có con đường Phật giáo gồm bốn tầng thánh của bậc A-la-hán và Thập địa của con đường Bồ-tát.

Hai người đầu tiên được Đức Phật giảng dạy là hai thương gia, sau đó là năm anh em Kiều-trần-như và sau đó nữa là mọi loại người trong xã hội. Đức Phật đã giảng dạy như thế suốt đời cho đến năm Ngài 80 tuổi, giã từ thế gian. Mặc dầu trong những năm sau, khi đã có một số vị đệ tử đắc quả giải thoát A-la-hán được tham gia vào việc hoằng pháp, người giảng dạy chính vẫn là Đức Phật. Kinh điển Nam tông và Bắc tông đều cho thấy điều này.

Đức Phật đem đạo giác ngộ đến với tất cả mọi người, từ hàng vua chúa đến người nông dân, từ các đại thí chủ cho đến anh thợ gốm, từ giai cấp Bà-la-môn cho đến tướng cướp Angulimala, từ những người đối nghịch như Đề-bà-đạt-đa, Magandhiya cho đến kỹ nữ giàu sang như Ambapali…

Những giảng dạy của Đức Phật chủ yếu là về đạo giải thoát, đạo giác ngộ, nhưng Ngài còn dạy bảy điều khiến cho một đất nước thịnh vượng, dạy cho con dân của ông Cấp Cô Độc về bảy hạng người vợ để cho gia đình hạnh phúc, bốn loại hạnh phúc của người cư sĩ… Tóm lại, Ngài đã đem đạo giác ngộ vào mọi lãnh vực của đời sống thế gian. Cũng chính qua cuộc đời và sự giảng dạy của Ngài, đạo Phật đã có mặt ở thế gian và cùng đồng hành với lịch sử nhiều trắc trở của loài người.

Đạo giác ngộ đã khởi nguồn từ Đức Phật và sau đó vẫn đồng hành với lịch sử loài người. Mỗi thế hệ đều có những bậc thánh ra đời, tiếp nối, kế thừa đạo giác ngộ, dùng cả đời mình để xiển dương, truyền bá đạo giác ngộ để con đường giác ngộ vẫn còn mãi, ngày càng mở rộng và đi vào tâm của quần chúng, đi vào xã hội.

Vấn đề thiết thực của mỗi người bình thường chúng ta là làm thế nào để duy trì đạo Phật trong cuộc đời chúng ta, trước hết là cho mình, cho sự lành mạnh và an vui của thân tâm mình và dần dần lan đến những người chung quanh?

Với những Phật tử bình thường chúng ta, đạo Phật cụ thể là phần Phật pháp hiện diện thường trực trong thân tâm chúng ta, trở thành một phần của con người chúng ta. Chúng ta sống trong đạo Phật để đạo Phật sống trong chúng ta, trở thành một phần của sự sống, của đời sống chúng ta.

Đạo Phật đi vào thân tâm chúng ta và trụ lại ở đó như thế nào?

Trước hết là quy y, để có một nối kết thực sự với Phật Pháp Tăng. Đây cũng là cơ sở vững chắc để khỏi lạc lối vào các phiền não tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ…

Tiếp theo là nghe, học, đọc, nghiên cứu (Văn) trực tiếp với những vị thầy hay gián tiếp qua kinh, sách đồng thời tham khảo các vị thầy.

Suy nghĩ, tư duy (Tư) về các lời dạy để thấy sự đúng đắn của chúng, phát khởi niềm tin và lời nguyện thực hành.

Thực hành (Tu) lời dạy để Pháp đi vào và ở lại nơi thân tâm mình, có sự hướng dẫn hoặc tham khảo những vị thầy đi trước.

Khi Phật pháp, dù chỉ phần ít, đi vào và ở lại nơi thân tâm mình, khi ấy một người mới có thể tự gọi mình một cách đúng đắn là Phật tử. Đây là phần đạo Phật hiện diện nơi mình, thực sự là của mình. Và cùng với thời gian, với sự hành trì mỗi ngày, những hạt giống ấy lớn lên thành cây, thành hoa, trái.

Thế nên, đạo Phật thực sự bắt đầu nơi mỗi con người, rồi dần dần lan tỏa, ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Đạo Phật ở nơi mình là số vốn, là gia tài, dù nhỏ, cho đời này và đời sau. Gia tài càng ngày càng lớn lên, do sự tự hành trì và do sự tương tác đem lại lợi lạc cho những người khác.

Khi Phật pháp, dù chỉ phần ít, đi vào và ở lại nơi thân tâm mình, khi ấy một người mới có thể tự gọi mình một cách đúng đắn là Phật tử. Đây là phần đạo Phật hiện diện nơi mình, thực sự là của mình. Và cùng với thời gian, với sự hành trì mỗi ngày, những hạt giống ấy lớn lên thành cây, thành hoa, trái.

Theo nguyên lý Duyên sanh hay Duyên khởi, về mặt vật chất, không có sự vật nào biệt lập. Về mặt tâm thức lại càng hơn thế, các tâm thức con người, dù còn yếu ớt, đều tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau. Thế nên sự hành trì, huân tập Phật pháp của mỗi người đều ảnh hưởng đến những người chung quanh và đến cả thiên nhiên, môi trường sống của người ấy.

Bởi thế mà mỗi câu niệm Phật, một thời tụng kinh, trì chú, một thời ngồi thiền, một sự cúng dường, một việc làm từ thiện… đều đóng góp vào số vốn thiện lành của chính mình và vào số vốn thiện lành của xã hội! Thực hành Pháp là trách nhiệm đối với chính cá nhân mình và cũng là trách nhiệm xã hội.

Đạo Phật có ý nghĩa xã hội. Thế nên trong mỗi thời tụng kinh khi kết thúc, chúng ta đều đọc: “Âm siêu dương thái, pháp giới chúng sanh, tình với vô tình, đồng thành Phật đạo”.

Mỗi thời tụng kinh, chúng ta đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh: “Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều cùng thành Phật đạo”.

Nguyễn Thế Đăng/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/y-nghia-xa-hoi-cua-dao-phat-post71579.html