Ý tưởng tạo ra búp bê Barbie từng bị xem là phi thực tế

Sách 'Câu chuyện của Barbie và người phụ nữ sáng tạo nên cô ấy' giúp độc giả hiểu rõ hơn về búp bê nổi tiếng nhất thế giới.

Búp bê Barbie là sản phẩm của công ty sản xuất đồ chơi Mattel (Mỹ). Đây là công ty do bà Ruth cùng chồng thành lập vào năm 1945. Năm 1959, búp bê Barbie ra đời và ngay lập tức tạo cơn địa chấn trong ngành sản xuất búp bê trẻ em. Chỉ trong năm đầu tiên ra mắt, Mattel đã bán được 351.000 con búp bê và con số này cho tới nay đã là hơn 1 tỷ.

 Sách Câu chuyện của Barbie và người phụ nữ sáng tạo nên cô ấy. Ảnh: Minh Châu.

Sách Câu chuyện của Barbie và người phụ nữ sáng tạo nên cô ấy. Ảnh: Minh Châu.

Ý tưởng về một búp bê giống thiếu nữ

Câu chuyện của Barbie và người phụ nữ sáng tạo nên cô ấy - cuốn sách đầu tay tác giả Cindy Eagan, với phần minh họa của tác giả kiêm họa sĩ Amy June Bates - kể về hành trình theo đuổi giấc mơ tạo ra cô búp bê không chỉ đẹp, xinh, thời thượng mà còn có thể truyền cảm hứng để các bé gái trở thành bất cứ ai mà mình muốn của bà Ruth Handler - “mẹ đẻ” của Barbie. Cuốn sách cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của bà Ruth trên con đường làm mới Barbie, đưa búp bê hòa cùng vào sự phát triển của thời đại.

Thông qua lối kể chuyện nhẹ nhàng cùng hình vẽ minh họa sống động lôi cuốn, cuốn sách đưa độc giả đắm chìm vào những ngày tháng ban đầu khi búp bê Barbie được nhen nhóm hình thành.

Ruth Handler là người ưa thích công việc sáng tạo. Bà luôn có một ý tưởng mới về trang sức thịnh hành và thiết kế nội thất cho những căn nhà búp bê. Một ngày, bà thấy con gái Barba không muốn chơi những con búp bê mà phần lớn các bé gái thời đó vẫn thường chơi. Thay vào đó, cô bé cắt dán thành những búp bê bằng giấy trông giống như người lớn. Điều này đã đem lại cho bà một ý tưởng tuyệt vời đó là tạo ra một con búp bê giống thiếu nữ với nhiều loại quần áo khác nhau, để cô ấy mặc trong những chuyến phiêu lưu tưởng tượng.

Tuy nhiên, khi lần đầu nêu ý tưởng này trong công ty, bà đã không nhận được sự ủng hộ, kể cả chồng bà. Theo cách nhận xét từ ban lãnh đạo gồm toàn nam giới trong công ty thì đó là một ý tưởng phi thực tế, con búp bê này quá khác biệt, sẽ không có ai mua nó.

 Bà Ruth Handler, người tạo ra búp bê Barbie, năm 1992. Nguồn: jwa.

Bà Ruth Handler, người tạo ra búp bê Barbie, năm 1992. Nguồn: jwa.

“Mẹ đẻ” búp bê Barbie đã chứng minh mình hoàn toàn đúng

Những lời nhận xét đó không khiến bà Ruth nhụt chí mà tạo cho bà một quyết tâm mãnh liệt và bà đã chứng minh tất cả họ đều sai khi tạo ra búp bê nổi tiếng nhất từ trước đến nay.

Sau một thời gian cùng các nhà thiết kế làm việc chăm chỉ để cho ra mẫu búp bê hoàn hảo nhất, bà Ruth cùng công ty Mattel đã giới thiệu búp bê Barbie tại Hội chợ đồ chơi Mỹ ở thành phố New York năm 1959. Dòng búp bê mới cùng những bộ đồ thời trang chân thực đến từng chi tiết này nhanh chóng bán chạy ở khắp nơi.

Bên cạnh đề cập đến ý tưởng thai nghén búp bê Barbie, cuốn sách còn miêu tả nỗ lực không ngừng nghỉ của bà Ruth khi tạo ra nhiều mẫu Barbie hơn, qua đó mở ra cho các bé gái một thế giới đầy màu sắc về ước mơ và hoài bão.

Trong cuốn sách, hình ảnh búp bê Barbie hóa thân vào các nghề khác nhau như ca sĩ, vũ công ba lê hay bác sĩ... cho thấy sự sáng tạo không ngừng của Ruth. Đó cũng chính là triết lý xuyên suốt của bà khi sáng tạo ra búp bê Barbie: “Toàn bộ triết lý của tôi về Barbie là thông qua cô búp bê này, các bé gái đều có thể trở thành bất cứ ai mà các em muốn”.

Đáng chú ý, bà Ruth luôn để búp bê Barbie phát triển theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Điều này đã được cuốn sách thể hiện khá cụ thể qua một số dấu ấn đặc biệt trong lịch sử phát triển của búp bê Barbie như lần ra mắt Barbie đóng vai phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng năm 1965 hay lần đầu tiên Barbie xuất hiện trong phiên bản ứng viên tổng thống năm 1992.

Cuốn sách cũng nhắc tới cột mốc ra đời nhân vật Ken - bạn trai của Barbie, và nhiều nhân vật khác. Tất cả tạo nên một thế giới đầy màu sắc và tràn ngập hy vọng xung quanh cô nàng búp bê Barbie.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/y-tuong-tao-ra-bup-be-barbie-tung-bi-xem-la-phi-thuc-te-post1424348.html