Yên Bái: Hội thảo đánh giá thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo và bình đẳng giới tại huyện Mù Cang Chải
Vừa qua, tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA) - Đại học Thái Nguyên tổ chức hội thảo đánh giá chương trình tập huấn 'Thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo, lồng ghép giới và lập kế hoạch hành động'.
Mù Cang Chải là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Toàn huyện có gần 10.000 hội viên phụ nữ.
Chương trình tập huấn "Thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo, lồng ghép giới và lập kế hoạch hành động” tại các xã: La Pán Tẩn, Nậm Khắt và Púng Luông, huyện Mù Cang Chải nằm trong Dự án "Nâng cao năng lực cộng đồng tại địa phương” do Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA) - Đại học Thái Nguyên và Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức đánh giá vừa qua đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Sau 1 năm tổ chức, lớp tập huấn đã trang bị, nâng cao năng lực lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới cho các nhà lãnh đạo nữ. FEMMA hướng tới mục tiêu tạo cơ hội, trao quyền, thúc đẩy sự phát triển xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái để đạt được bình đẳng giới thực chất thông qua các dự án hoạt động như: vận động chính sách liên quan đến quyền của phụ nữ; xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao năng lực và kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định của phụ nữ.
Đặc biệt, qua các lớp tập huấn, lãnh đạo nữ dân tộc Mông đã nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện thành công kế hoạch cụ thể, tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ vùng dân tộc Mông và tiến tới xóa bỏ định kiến giới, tiến tới ra mắt mạng lưới các nữ lãnh đạo ở dân tộc Mông, tạo hiệu quả lâu dài với việc các nhà lãnh đạo địa phương, góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Qua hoạt động của FEMMA triển khai tại địa phương đã có nhiều chị em phụ nữ được cung cấp kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý thúc đẩy bình đẳng giới then chốt như: kỹ năng lãnh đạo bản thân; kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng ủy quyền có trách nhiệm giới; kỹ năng tạo động lực, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phân tích và lồng ghép giới vào chính sách, quy định tại cơ quan, tổ chức....
Tại Hội thảo, các đại biểu đã khẳng định những hoạt động nâng cao năng lực cộng đồng tại địa phương như chương trình thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo và bình đẳng giới của FEMMA đã giúp chị em phụ nữ tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động tạo thu nhập ổn định; nhiều nữ cán bộ, công chức, viên chức "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chủ động thực hiện bình đẳng giới vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ... Đây sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Mù Cang Chải ra mắt mạng lưới nữ lãnh đạo dân tộc thiểu số, giúp họ áp dụng kiến thức, kỹ năng một cách hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.