Yên Bái tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia

Rượu, bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến trên ba khía cạnh: xã hội, môi trường và kinh tế. Với những tác động này, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai chú trọng việc kiểm soát, kiềm chế sự nguy hại của các chất có cồn.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam sản xuất tới 1,2 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu, thậm chí có thể hơn vì chưa kiểm soát được sản lượng rượu thủ công tự nấu, tốc độ tăng trưởng mỗi năm lên đến 8 - 10%.

Một điều nữa là tình trạng sử dụng rượu, bia diễn ra ngày càng rộng rãi trong giới trẻ, chiếm 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ, đang ở mức đáng báo động. Lạm dụng rượu, bia không chỉ gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể mà còn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, đó là bạo hành gia đình, gây rối trật tự công cộng, đặc biệt là tai nạn giao thông (TNGT)...

Từ khi Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được triển khai vào đầu năm 2020, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số bệnh nhân tai nạn giao thông (TNGT) cấp cứu tại bệnh viện đã giảm về số lượng.

Tuy nhiên, theo khảo sát, các trường hợp chấn thương sọ não tính trên số nạn nhân TNGT nói chung vẫn cao, còn nhiều trường hợp chấn thương mức độ nặng liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, bệnh nhân tai nạn, thương tích trên địa bàn tỉnh vào viện tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó TNGT vào viện tăng 37,5% - một trong những nguyên nhân là do sử dụng rượu, bia.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Yếu tố tiên lượng đối với bệnh nhân tai nạn có sử dụng rượu bia sẽ khó khăn, do những trường hợp này có kết quả chăm sóc chưa tốt cao gấp 2,23 lần những người không sử dụng rượu, bia.

"Khi nạn nhân vào viện, trạng thái hôn mê lẫn với tình trạng say rượu sẽ làm cho quá trình chẩn đoán và chăm sóc khó hơn bệnh nhân không bị say rượu. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị cần thường xuyên tăng cường giám sát việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông trong thời gian tới và nghiêm túc xử phạt với những người phạm luật” - bác sỹ Hào nói.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Văn bản số 171/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội; các ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2023 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực.

Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định "Đã uống rượu, bia - không lái xe”; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và các lĩnh vực liên quan khác…

Trần Minh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/228/297366/yen-bai-tang-cuong-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia.aspx