Yên Châu nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo

Huyện Yên Châu (Sơn La) nỗ lực triển khai mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, giúp đỡ người dân phát triển sản xuất và chăn nuôi.

Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng xoài Đài Loan trên đất dốc.

Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng xoài Đài Loan trên đất dốc.

Xây dựng các đề án giảm nghèo

Yên Châu là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong khu vực phòng thủ của tỉnh. Diện tích tự nhiên của huyện là 85.775,9ha, có 56,6km đường biên giới với nước CHDCND Lào. Huyện có 14 xã, 1 thị trấn, trong đó có 4 xã biên giới gồm: có 5 dân tộc chủ yếu cùng chung sống: Thái, Kinh, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú.

Bà con các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, đời sống, vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân đã có sự cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, hệ thống chính trị được củng cố, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trên địa bàn, UBND huyện Yên Châu đã xây dựng Kế hoạch số 76 về thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện năm 2022; Kế hoạch số 104 của UBND huyện về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025… Kinh phí thực hiện chương trình giao tại Quyết định số 1337/QĐ-UBND của tỉnh Sơn La, với tổng kinh phí triển khai là 4.101 triệu đồng. Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững…

 Huyện Yên Châu hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và cây giống cho bà con dân tộc phát triển kinh tế.

Huyện Yên Châu hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và cây giống cho bà con dân tộc phát triển kinh tế.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, nhằm giúp đỡ, tạo việc làm, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, huyện đã thực hiện các giải pháp như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tổng kinh phí thực hiện: 1.585 triệu đồng. Trong đó, giao phòng LĐTB&XH, phòng Kinh tế - Hạ tầng thực hiện 1.285 triệu đồng tổ chức thực hiện. Đến 31/12/2022 chưa giải ngân được, đã chuyển nguồn sang năm 2023. Lý do đang chờ văn bản hướng dẫn định mức chi.

“Những năm qua, huyện đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với kinh phí thực hiện 686 triệu đồng. Tiếp đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững ở các vùng nghèo, khó khăn, tổng kinh phí triển khai 654 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều giúp đỡ bà con các dân tộc thoát nghèo và làm giàu bền vững”, ông Cường nói.

Nhờ triển khai các giải pháp hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, huyện Yên Châu đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường đầu tư, thủ tục hành chính ngày càng minh bạch. Đặc biệt, bà con các dân tộc đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các chính sách giảm nghèo đến với hộ nghèo, tạo động lực thúc đẩy xã hội tích cực lao động sản xuất, phấn đấu vượt qua đói nghèo, cải thiện cuộc sống của từng gia đình.

 Phòng LĐ TB&XH huyện Yên Châu hỗ trợ việc làm, giúp đỡ bà con các dân tộc phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Phòng LĐ TB&XH huyện Yên Châu hỗ trợ việc làm, giúp đỡ bà con các dân tộc phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Việc triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, tác động từ chính sách xây dựng xã nông thôn mới, tạo nền tảng ổn định, phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu giảm nghèo của huyện Yên Châu nhanh và bền vững.

Ngăn ngừa tái nghèo

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng LĐ TB&XH huyện Yên Châu nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện gặp một số khó khăn nhất định trong thực hiện chương trình Quốc gia giảm nghèo như: Tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ theo xu hướng tiếp tục tăng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo có thể gia tăng khi có biến cố xảy ra như: thiên tai, dịch bệnh...

Theo bà Hà, hiện nay vẫn còn nhiều hộ nghèo thiếu tư liệu sản xuất, không có tay nghề, chủ yếu là lao động phổ thông, làm thuê; một số được đào tạo nghề, nhưng sản phẩm làm ra thiếu thị trường tiêu thụ, thu nhập không ổn định. Còn một bộ phận hộ nghèo có tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng nên bản thân họ không có ý chí tự vươn lên thoát nghèo.

Vì vậy, công tác giảm nghèo chưa đạt kết quả cao như mong muốn. Thời gian tới, phòng sẽ tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để tham mưu cho UBND huyện triển khai công tác giảm nghèo, từ đó giúp người dân có cuộc sống dư giả và sung túc hơn.

Cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn luôn được huyện chú trọng đầu tư.

Cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn luôn được huyện chú trọng đầu tư.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, thời gian qua, huyện Yên Châu đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tự vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo phòng LĐTB&XH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền cấp xã… hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu nhận định, huyện đã tạo điều kiện cho bà con các dân tộc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Song song với đó, huyện phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ các địa bàn thoát khỏi tình trạng nghèo.

Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, mục tiêu cụ thể của huyện là giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm. Hỗ trợ thí điểm, phát triển 5 mô hình giảm nghèo: Chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, du lịch cộng đồng, mô hình khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt cho bà con.

Hỗ trợ đào tạo 2.000 người lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết nối việc làm thành công cho ít nhất 10.000 lao động, trong đó có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/yen-chau-no-luc-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-post664806.html