Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Hôm nay (19/5), Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2024) - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, mỗi chúng ta càng thấm thía những lời dạy của Người về đạo đức cách mạng, về 'cần, kiệm, liêm, chính', về đại đoàn kết để xây dựng đất nước phồn vinh; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Người

Cách đây 113 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng về giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình tìm đường cứu nước của Người đã mở ra một trong những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Gần 30 năm, từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin; đã trở thành một chiến sĩ Cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam.

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (19/9/1954). Ảnh tư liệu

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (19/9/1954). Ảnh tư liệu

Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta vùng lên giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đất nước vừa giành được độc lập, kẻ thù đã lăm le gây hấn và phát động cuộc chiến tranh nhằm xóa sổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Mùa đông năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi kháng chiến. Hành trang mang theo giản dị, chỉ chiếc ba lô, vài ba bộ quần áo, túi đựng tài liệu, với cái máy chữ, đồng hồ quả quýt cùng gậy trúc và đôi dép cao su. Từ đây, với phương châm kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Người cùng Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Những hoạt động vô cùng phong phú từ khi rời Thủ đô, trải rộng khắp núi rừng Việt Bắc, kéo dài trong 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã làm sáng tỏ tư tưởng, đạo đức, phong cách và đời sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày, ác liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Có được thắng lợi này, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học sâu sắc, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Học Bác để tự soi mình

Có thể khẳng định, khát vọng "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc", thành quả cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiến tạo, di sản tư tưởng mà Người để lại tiếp tục mang giá trị dẫn đường cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong đó có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó cốt lõi là tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng tiếp tục khẳng định: Đi lên Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh tư liệu.

Chặng đường phát triển đi lên của đất nước từ ngày có Đảng càng khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, trong suốt nhiều năm qua, hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã không quản ngại gian khổ, khó khăn “giàu sang không khuất phục, uy vũ chẳng chuyển lay” để thực sự làm nên những tấm gương sáng vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn, nhất là tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, là tệ quan liêu, tham nhũng, sống xa hoa, lãng phí.

Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức. Chính vì vậy, từ năm 2006 đến nay, Đảng ta đã phát động việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Thực hiện việc học tập và làm theo Bác là mỗi người chúng ta lấy Bác làm tấm gương để rèn luyện bản thân ngày càng tốt hơn, đưa xã hội Việt Nam, đất nước ngày càng đi lên, tiến bộ.

Học Bác là học về đạo đức cách mạng trong sáng: "Cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư", học về tư cách người cách mạng, đặc biệt là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù ở trong mỗi con người, đấu tranh với cái ác, nâng cái thiện lên để giảm cái ác đi... Học Bác là học phong cách, lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh bạch, gần dân, không quan liêu, quan cách, từ ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc.

Sinh thời, Bác dù bận nhiều công việc nhưng vẫn luôn dành thời gian gặp gỡ và căn dặn từng cán bộ, đảng viên, công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, công an, thanh niên, phụ nữ, đến các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi,... rất cụ thể, rõ ràng, sâu sắc. Học Bác là học suốt đời, học hằng ngày, thiết thực, thiết thân. Học Bác là việc làm tự giác của mỗi người, mỗi tổ chức, không ai có thể làm thay được. Nói đi đôi với làm, học để làm theo, làm theo rồi lại học, lại bổ sung, thường xuyên liên tục, không phải một lần là xong.

Học Bác bằng nhiều hình thức, phong phú, sinh động, qua sách báo, ở trường, lớp; qua thực tiễn công việc, trường đời; qua sinh hoạt chi bộ Đảng, đoàn thể, ở cơ quan, trong gia đình; tự phê bình và phê bình; qua tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm; qua phong trào thi đua người tốt, việc tốt, nêu gương những điển hình tiên tiến, phê phán những việc làm xấu, tiêu cực...

Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác kính yêu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng, dẫn dắt dân tộc ta tiến về phía trước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/yeu-bac-long-ta-trong-sang-hon-170886.html