1.000 ngày chiến sự Nga-Ukraine: Bước ngoặt hay thách thức?

Trong khi nhiều quan chức xác nhận Ukraine lần đầu tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất, thì Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky bất ngờ đề cập một kịch bản không tươi sáng, vào thời điểm cuộc xung đột giữa hai nước đã chạm mốc 1.000 ngày, và phía Nga cảnh báo chiến sự sẽ còn kéo dài.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/11 (giờ địa phương) cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine đã phóng 6 tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất vào tỉnh Bryansk của nước này. Phía Nga khẳng định hệ thống phòng không Pantsir và S-400 đã bắn hạ 5 tên lửa và gây hư hại một tên lửa. Các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống khu vực của một cơ sở quân sự ở tỉnh Bryansk, gây ra hỏa hoạn, nhưng đã được dập tắt kịp thời mà không có thiệt hại hay thương vong.

Tên lửa ATACMS được phóng từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Ảnh: US Army

Tên lửa ATACMS được phóng từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Ảnh: US Army

Tờ The Kyiv Post sáng 20/11 cũng trích dẫn nhiều hãng truyền thông Mỹ cho biết, các quan chức Mỹ đã tiết lộ Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga vào hôm 19/11. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp trên lãnh thổ Nga, sau khi Washington nới lỏng các hạn chế liên quan.

Trên thực tế, theo truyền thông quốc tế, các cuộc tấn công của Ukraine diễn ra sau nhiều tháng đàm phán với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden về việc sử dụng vũ khí nhằm vào bên trong lãnh thổ Nga. Nhưng mãi cho tới ngày 17/11 vừa qua, New York Times dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden mới vừa cho phép Ukraine sử dụng sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất, bao gồm tên lửa ATACMS để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.

Hãng tin Reuters trước đó cũng dẫn lời hai quan chức Mỹ và một nguồn tin thân cận với quyết định nêu trên nói rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Washington đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy không tiết lộ chi tiết vì lý do an ninh tác chiến, nhưng theo các nguồn tin, trong cuộc tấn công đầu tiên, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ sử dụng tên lửa ATACMS với tầm bắn lên tới 300km.

Phản ứng trước thông tin về vụ tấn công, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tại Kiev hôm 19/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không xác nhận liệu cuộc tấn công vào một kho vũ khí gần Bryansk có được thực hiện bằng tên lửa ATACMS hay không, nhưng ông khẳng định Ukraine có khả năng tấn công tầm xa và sẽ sử dụng năng lực này.

Tuy nhiên, ông Zelensky bất ngờ thừa nhận với Fox News trong một phỏng vấn cùng ngày rằng Ukraine sẽ đối diện kịch bản xấu trong xung đột với Nga nếu Mỹ cắt viện trợ quân sự. "Nếu họ cắt viện trợ, tôi nghĩ chúng tôi sẽ thua. Chúng tôi sẽ chiến đấu. Chúng tôi có khả năng sản xuất, nhưng không đủ để giành chiến thắng. Và tôi nghĩ, điều đó cũng không đủ để sống sót", ông Zelensky tuyên bố.

Trong khi đó, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro (Brazil) hôm 19/11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng vụ tấn công là tín hiệu cho thấy phương Tây muốn "leo thang xung đột". Ông Lavrov nhấn mạnh Ukraine sẽ không thể sử dụng tên lửa công nghệ cao này mà không có sự hỗ trợ của Mỹ. Ông cũng nhắc lại lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng quan điểm của Moscow sẽ thay đổi nếu phương Tây ủng hộ việc mở rộng phạm vi tấn công tới 300km.

Trong bối cảnh Nga đang giành thêm lợi thế trên chiến trường và các cuộc đàm phán ngày càng được đề cập nhiều, giới quan sát cho rằng Ukraine lo ngại sẽ rơi vào thế bất lợi khi bàn thảo về một thỏa thuận hòa bình. Nhất là trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông Ấn Độ ngày 19/11,

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận được câu hỏi về lý do xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 1.000 ngày mà vẫn đang tiếp diễn, và ông đã trả lời: "Khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, nó nhằm chống lại chế độ Kiev. Và bây giờ nó đang tiếp diễn là cuộc chiến giữa Nga và NATO. Đó là lý do tại sao nó kéo dài và sẽ kéo dài". Ngoài ra, ông Peskov chia sẻ: "Nó sẽ kết thúc ngay khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình".

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Nga muốn đạt được mục tiêu thông qua đàm phán, nhưng Kiev đã bác bỏ điều này. "Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục hoạt động quân sự, bởi vì khả năng đàm phán hòa bình hiện đang bị cả Kiev và Washington phủ nhận", ông Peskov nói với truyền thông Ấn Độ.

Quan trọng hơn, động thái của Ukraine cũng được thực hiện trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh phê chuẩn Cơ sở chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân - học thuyết hạt nhân mới của Nga. Theo TASS, Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cũng đề cập đến những thay đổi trong học thuyết hạt nhân, khẳng định các sửa đổi trong học thuyết đã được vạch ra trên cơ sở thực tế và sẽ được cụ thể hóa khi cần thiết.

Ngoài ra, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho biết Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ, song nhấn mạnh điều này sẽ cần nỗ lực của cả hai nước, không chỉ của riêng Moscow. Vào thời điểm xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước qua mốc 1.000 ngày, cùng với những dự cảm mới của ông Zelensky, việc hai nước bước tới bàn đàm phán hay đối đầu nhau và mở rộng giao tranh trên chiến trường trong những ngày có thể sẽ quyết định hồi kết cho cuộc xung đột này.

Bảo Hân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/1-000-ngay-chien-su-nga-ukraine-buoc-ngoat-hay-thach-thuc--i750909/