10 năm lan tỏa những giá trị lớn của Hiến pháp năm 2013

Ngày 14-11, Trường Đại học Chu Văn An tổ chức Hội thảo 'Mười năm lan tỏa những giá trị cơ bản của Hiến pháp 2013'.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu đạt được, những giá trị cơ bản với sự lan tỏa, tác động thực tiễn từ các quy định của Hiến pháp năm 2013 đối với đời sống xã hội Việt Nam; tiếp tục tìm kiếm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những giá trị của sự lan tỏa đó.

 Các chuyên gia chủ trì hội thảo.

Các chuyên gia chủ trì hội thảo.

Theo GS, TS Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An, Hiến pháp năm 2013 có nhiều giá trị lớn. Đó là sự đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật; bảo đảm Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; Tòa án độc lập xét xử theo thẩm quyền vì nhiều chuyên gia đã quan niệm “độc lập xét xử của Tòa án là vương miện của Nhà nước pháp quyền”; xác định mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quy định rõ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngay tại chương II.

“Không những ghi nhận các quyền mà toàn bộ Hiến pháp là cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”, GS, TS Hoàng Thế Liên nói.

Trình bày tham luận tại hội thảo, GS, TS Võ Khánh Vinh (Cố vấn Ban Giám hiệu Trường Đại học Chu Văn An) đánh giá, pháp quyền là giá trị quốc gia mới, được tiếp nhận từ giá trị pháp quyền của nhân loại, được vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là giá trị mang tính mục tiêu, mang tính phương thức của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi nhận và thể hiện trong toàn bộ tinh thần, nội dung của Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

 GS, TS Hoàng Thế Liên phát biểu tại Hội thảo mười năm lan tỏa những giá trị cơ bản của Hiến pháp năm 2013.

GS, TS Hoàng Thế Liên phát biểu tại Hội thảo mười năm lan tỏa những giá trị cơ bản của Hiến pháp năm 2013.

Một giá trị quốc gia mới trong Hiến pháp là quyền con người, quyền công dân được hình thành, phát triển và phát huy trong quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây là giá trị mang tính bản chất, mục tiêu, nội dung của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi nhận và thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

TS Nguyễn Văn Cương (Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) nhìn nhận, hệ thống pháp luật của Việt Nam trong một số lĩnh vực cơ bản đã có bước phát triển mới trên cơ sở Hiến pháp năm 2013.

PGS, TS, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương phân tích, “độc lập của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mang đặc trưng của Nhà nước pháp quyền nói chung, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng.

 Nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trần Văn Độ phát biểu tại hội thảo.

Nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trần Văn Độ phát biểu tại hội thảo.

Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định nhằm bảo đảm cho Tòa án nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, để bảo đảm Tòa án xét xử độc lập, Trung tướng Trần Văn Độ đề nghị thiết lập cơ quan công tố thuộc hệ thống cơ quan hành pháp; giao cho Tòa án thẩm quyền giải thích luật; giao cho Tòa án nhân dân thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật, trong đó có xử phạt vi phạm hành chính; thành lập Tòa án từng khu vực theo cấp xét xử; quy định chế tài và thiết lập cơ chế xử lý các hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm…

THÙY LÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/10-nam-lan-toa-nhung-gia-tri-lon-cua-hien-phap-nam-2013-751415