12 cách hiệu quả để giảm đau nửa đầu tại nhà
Đau nửa đầu là cơn đau dữ dội hoặc đau nhói, thường ở một bên đầu, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh…
Có nhiều cách để kiểm soát và ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Bằng cách hiểu rõ các tác nhân gây đau và kết hợp những thay đổi lối sống đơn giản, có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu.
Nội dung
1. Uống đủ nước giảm đau nửa đầu
2. Chườm lạnh hoặc chườm ấm
3. Kiểm soát căng thẳng
4. Cải thiện chất lượng giấc ngủ
5. Dùng thảo dược
6. Duy trì lịch trình ăn uống đều đặn
7. Bổ sung dinh dưỡng
8. Xác định và tránh các tác nhân gây đau nửa đầu
9. Tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng
10. Bấm huyệt và châm cứu
11. Ngâm chân trong nước ấm
12. Giảm thời gian sử dụng màn hình và tiếp xúc với ánh sáng xanh
Dưới đây là những cách tự nhiên tốt nhất để kiểm soát chứng đau nửa đầu:
1. Uống đủ nước giảm đau nửa đầu
Mất nước là một nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau nửa đầu, nhưng thường bị bỏ qua. Khi cơ thể thiếu nước, thể tích máu có thể giảm, làm giảm lưu lượng oxy lên não và gây ra đau.
Nên uống ít nhất 8 -10 cốc nước mỗi ngày giúp duy trì đủ nước cho cơ thể. Bạn cũng có thể bổ sung các chất lỏng giàu chất điện giải như nước dừa hoặc trà thảo mộc…

Bổ sung đủ nước giúp giảm đau nửa đầu.
2. Chườm lạnh hoặc chườm ấm
Chườm lạnh lên trán hoặc gáy có thể làm co mạch máu và làm giảm cảm giác đau và khó chịu tạm thời. Mặt khác, chườm ấm hoặc chườm nóng lên cổ hoặc vai có thể giúp thư giãn các cơ căng thẳng, vốn là nguyên nhân góp phần gây ra chứng đau nửa đầu.
3. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng là một tác nhân chính gây ra chứng đau nửa đầu. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn hàng ngày có thể làm giảm đáng kể tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau.
Thiền, hít thở sâu và thư giãn cơ tiến triển có thể giúp giảm tần suất đau nửa đầu bằng cách làm dịu hệ thần kinh và giảm nồng độ cortisol hiệu quả hàng ngày.
4. Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Thiếu ngủ hoặc lịch trình ngủ không đều đặn được biết là nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu. Hãy cố gắng ngủ ít nhất 7–9 tiếng mỗi đêm, duy trì lịch trình ngủ đều đặn và thói quen thư giãn trước khi đi ngủ.
Giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh, đồng thời tránh sử dụng màn hình ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Thói quen ngủ kém có thể góp phần gây ra những thay đổi nội tiết tố dẫn đến chứng đau nửa đầu.

Ngủ đủ giấc giúp giảm đau nửa đầu.
5. Dùng thảo dược
Gừng là một loại thảo mộc kháng viêm mạnh mẽ đã được chứng minh là làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu và buồn nôn. Uống trà gừng hoặc bổ sung gừng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đau nửa đầu có thể giúp ích.
Tinh dầu bạc hà, khi thoa lên thái dương, có tác dụng làm mát, giúp giảm cường độ đau. Tinh dầu oải hương có tác dụng làm dịu và có thể hữu ích khi hít hoặc khuếch tán trong cơn đau.
6. Duy trì lịch trình ăn uống đều đặn
Bỏ bữa hoặc ăn uống không đúng giờ có thể gây ra chứng đau nửa đầu do hạ đường huyết. Ăn uống cân bằng mỗi 3-4 giờ giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và cung cấp năng lượng ổn định.
Hãy bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, protein và chất béo lành mạnh vào chế độ ăn uống; tránh thực phẩm chế biến sẵn, quá nhiều đường và các chất kích thích như phô mai ủ lâu năm, sô cô la và chất tạo ngọt nhân tạo...
7. Bổ sung dinh dưỡng
Một số vitamin và khoáng chất có liên quan đến việc giảm tần suất đau nửa đầu. Magiê giúp ngăn ngừa đau nửa đầu bằng cách làm thư giãn mạch máu, làm dịu hoạt động thần kinh quá mức.
Vitamin B2 (riboflavin) đã được chứng minh trong một số nghiên cứu có tác dụng làm giảm tần suất đau nửa đầu. Coenzyme Q10 và axit béo omega-3 cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện chức năng não và giảm viêm. Tuy nhiên, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào.

Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào.
8. Xác định và tránh các tác nhân gây đau nửa đầu
Ghi nhật ký là một trong những công cụ hiệu quả nhất để kiểm soát chứng đau nửa đầu. Ghi lại thời điểm các triệu chứng xuất hiện, những gì bạn đã ăn, cách bạn ngủ, mức độ căng thẳng và các yếu tố môi trường (như ánh sáng mạnh hoặc mùi mạnh).
Các tác nhân gây đau phổ biến bao gồm rượu, caffeine, nitrat trong thịt chế biến sẵn, thay đổi nội tiết tố, thay đổi thời tiết và một số loại thuốc. Việc xác định các kiểu đau sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi phù hợp để giảm các cơn đau bùng phát.
9. Tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và giúp điều hòa giấc ngủ - ba yếu tố chính giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
Các bài tập tác động thấp như đi bộ, yoga hoặc bơi lội đặc biệt có lợi. Đặc biệt, yoga đã được chứng minh là giảm tần suất và cường độ đau nửa đầu khi luyện tập thường xuyên. Điều này có thể là do tác dụng giảm căng thẳng và thư giãn cơ bắp của yoga.
10. Bấm huyệt và châm cứu
Bấm huyệt là phương pháp tác động lực lên các điểm cụ thể trên cơ thể để giảm đau. Ví dụ, ấn vào khoảng giữa ngón cái và ngón trỏ (điểm LI-4) trong vài phút có thể giúp ích.
Châm cứu vào các điểm cụ thể, cũng đã được chứng minh có thể làm giảm tần suất đau nửa đầu, bằng cách cải thiện lưu thông máu...
11. Ngâm chân trong nước ấm
Ngâm chân trong nước ấm là một phương pháp cổ xưa nhưng hiệu quả, có thể giúp máu lưu thông, giảm áp lực lên đầu. Để tăng hiệu quả, hãy nhỏ vài giọt tinh dầu oải hương hoặc bạc hà vào nước. Mặc dù chưa được khoa học chứng minh, nhưng nhiều người thấy phương pháp này giúp thư giãn và giảm cảm giác đau nhức.
12. Giảm thời gian sử dụng màn hình và tiếp xúc với ánh sáng xanh
Nhìn chằm chằm vào màn hình trong thời gian dài, đặc biệt là dưới ánh sáng mạnh, có thể gây ra chứng đau nửa đầu hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Hãy sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh, nghỉ giải lao thường xuyên (quy tắc 20-20-20: Cứ sau 20 phút, nhìn vào một vật cách xa 20 feet - khoảng 6 mét- trong 20 giây) và giảm sử dụng màn hình trước khi đi ngủ để giúp ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu.
Lưu ý: Các triệu chứng và tác nhân gây đau nửa đầu có thể rất khác nhau giữa mỗi người. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị hoặc dùng thuốc điều trị đau nửa đầu mới nào, để đảm bảo an toàn và phù hợp với tình trạng cụ thể của cá nhân.
Mời bạn xem thêm video:
Đau đầu khi mưa bão, thay đổi thời tiết - Phải làm sao?