15 năm xây dựng và phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung
Chiều 13/12, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tổ chức hội thảo khoa học 15 năm xây dựng và định hướng phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2025-2030.
Ngày 20/4/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg - phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống các Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020, trong đó có một Bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực đặt tại Thừa Thiên Huế. Ngày 23/12/2009, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2824/QĐ-UBND về việc thành lập Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế.
Nhìn lại chặng đường 15 năm, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung đã có quá trình xây dựng, trưởng thành về nhiều mặt và đạt được những thành tích rất đáng khích lệ. Công tác nghiên cứu khoa học của bảo tàng ngày một phát triển, trong đó, chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh và hiện đang chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; xuất bản sách chuyên khảo “Thống kê thành phần loài động - thực vật bậc cao ở tỉnh Thừa Thiên Huế” ; Sách chuyên khảo “Thành phần loài cá vùng biển ven bờ Bắc Hải Vân - Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Ngoài ra, Bảo tàng có 18 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế...;
Tại hội thảo, các đại biểu nghe các tham luận về các nội dung: Vị thế và định hướng phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung trong giai đoạn 2025-2030; Những yếu tố tác động và giải pháp nâng cao hiệu quả thu thập mẫu vật; Bảo tàng và quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua; Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý và truyền thông bằng công nghệ số.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Thị Thùy Yên, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung là bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực, một thiết chế khoa học công nghệ về lĩnh vực khoa học tự nhiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; điểm đến cho các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học trong và ngoài nước, góp phần tuyên truyền quảng bá về hình ảnh thiên nhiên, con người khu vực duyên hải miền Trung và góp phần phát triển du lịch.
Thời gian đến, cần xây dựng mối liên kết với đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn trong nghiên cứu khoa học, giám định mẫu vật và ứng dụng công nghệ mới trong thu thập, xử lý, chế tác và trưng bày mẫu vật. Xây dựng và hoàn thành “Bảo tàng thiên nhiên số” bằng công nghệ thực tại ảo tăng cường (VR/AR), công nghệ 3D mapping; đầu tư xây dựng “Hệ thống quản lý điều hành bảo tàng trên môi trường số”. Nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong phân loại, giám định, định loại, giải mã gen... trong công tác thu thập, giám định mẫu vật; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lí, chế tác mẫu vật theo phương pháp nhựa hóa, phương pháp compozit... tăng độ bền màu, giảm độc hại và bảo quản mẫu được lâu dài…