2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận bảo vật quốc gia

Sáng nay (21/11), tại thành phố Quy Nhơn, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.

Tại buổi lễ, Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn niên đại cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII hiện lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bình Định.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Đinh (bên trái) trao quyết định Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn cho đại diện Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Đinh (bên trái) trao quyết định Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn cho đại diện Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định.

2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được phát hiện vào năm 1992, gần tháp Cánh Tiên, trong khu thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là tác phẩm điêu khắc Chămpa hình tượng sư tử, tư thế nửa nằm, nửa đứng. 2 tượng sư tử đá này cũng là một hình tượng điêu khắc độc nhất trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc tượng sư tử của Chămpa.

Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ hiện vật, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn hiện lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia.

Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn hiện lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia.

Từ năm 2015 - 2024, qua các đợt công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định vinh dự có 13 bảo vật quốc gia là những tác phẩm điêu khắc đá Champa.

Cả 13 bảo vật quốc gia này đều là những hiện vật gốc, độc bản, quý hiếm, hình thức độc đáo và có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa, lịch sử liên quan đến văn hóa Champa trên vùng đất Bình Định. Đây không chỉ là tư liệu khoa học quan trọng đối với khảo cổ học mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo của dân tộc.

Hoa văn được chạm khắc trên tượng sư tử đá.

Hoa văn được chạm khắc trên tượng sư tử đá.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của các bảo vật quốc gia gắn với công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa: “Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu các bảo vật quốc gia, các hiện vật quý mà Bảo tàng tỉnh và các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ. Qua đó tìm hiểu xác định niên đại, giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật; rà soát, nghiên cứu, sưu tầm và lựa chọn các hiện vật tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí để lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia nhằm bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản văn hóa trên quê hương Bình Định”.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/2-tuong-su-tu-da-thanh-do-ban-duoc-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-post1137080.vov