20.000 chậu lúa phục vụ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam

20.000 chậu lúa ở nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau sẽ được bố trí, trưng bày tại nhiều địa điểm diễn ra các sự kiện trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, nhất là tại Triển lãm 'Con đường lúa gạo Việt Nam'.

Để có những cây lúa tươi tốt phục vụ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, trong những tháng qua ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã cho tiến hành gieo trồng hàng chục ngàn chậu lúa. Những người được giao nhiệm vụ mới mẻ và cũng không ít khó khăn này chính là những nông dân sản xuất giỏi, có thâm niên trong nghề trồng lúa của tỉnh.

Bên cạnh kinh nghiệm trồng lúa, ông Trần Văn Triệu còn được cán bộ ngành nông nghiệp tư vấn thêm về kỹ thuật

Bên cạnh kinh nghiệm trồng lúa, ông Trần Văn Triệu còn được cán bộ ngành nông nghiệp tư vấn thêm về kỹ thuật

Những ngày này, ông Trần Văn Triệu ở ấp 6, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đang tất bật cùng với nhiều nông dân khác vận chuyển 10.000 chậu lúa tươi tốt, đến các điểm phục vụ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Là 1 trong những nông dân được tỉnh lựa chọn trồng lúa trong chậu, để phục vụ sự kiện liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp mang tầm quốc tế này nên ông Triệu rất tự hào, phấn khởi.

“Khi nhận công việc này mình cũng muốn đóng góp công sức cho ngày hội lớn của tỉnh. Đây là Festival lúa gạo lớn, Hậu Giang muốn để cho khách trong, ngoài nước đến tham quan, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho người nông dân bán lúa được giá, thị trường ổn định cho người nông dân có đà phát triển tốt hơn”, ông Triệu bày tỏ.

Những giống lúa được ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang lựa chọn, để ông Trần Văn Triệu trồng trong 10.000 ngàn chậu là các giống lúa đặc thù của các tỉnh, thành trong cả nước, gồm IR50404, OM 5454, Đài thơm 8, ST 25, RVT. Mặc dù có thâm niên trồng lúa hơn 30 năm và có kinh nghiệm trồng hoa kiểng trong chậu để bán Tết, tuy nhiên ông Triệu vẫn gặp nhiều khó khăn khi lần đầu bắt tay vào gieo trồng, chăm sóc những cây lúa trong chậu.

Theo ông Triệu, lúc gieo lúa trong chậu nếu gặp mưa nhiều khiến nước ngập chậu, lúa sẽ nảy mầm không đều; còn nếu gặp trời nắng gắt khi trong chậu có nước, lúa cũng chết vì nước nóng, do đó ông phải ngồi canh hàng ngày để điều tiết nước cho từng chậu. Khi bón phân cho lúa cũng phải cẩn thận theo dõi mỗi ngày, quan sát màu lá lúa để xử lý bệnh kịp thời. Sợ cây lúa không có đủ ánh sáng để quang hợp, ông phải cắt bỏ trụi lá của gần 30 cây dừa đang cho trái trong vườn. Gần đây nhất, khi bà con thu hoạch lúa Thu Đông, chuẩn bị đất gieo sạ lúa Đông Xuân, các sinh vật tìm vào các chậu lúa trú ẩn, gây hại khiến ông Triệu cũng gặp nhiều gian nan trong phòng chống.

“Khi ngoài đồng chỉ có trà lúa của mình tất cả các sinh vật đều dồn về. Chuột ngoài đồng không có gì ăn chui vô trốn, sâu rầy, chim chóc… nên mình phải tìm cách bảo quản được tốt nhất. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng mình vẫn cố gắng làm sao cây lúa thật đẹp để phục vụ Festival”, ông Triệu cho biết thêm.

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11-15/12 tại TP Vị Thanh. Bên cạnh nhiều hoạt động hấp dẫn như tổ chức các gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị, bay phục vụ sản xuất lúa... Hậu Giang còn tổ chức Triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam”. Các chậu lúa ở nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau sẽ được bố trí, trưng bày tại nhiều địa điểm diễn ra các sự kiện trong khuôn khổ Festival, nhất là tại Triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam”.

Những chậu lúa do nông dân Hậu Giang trồng đã được đưa đến trưng bày tại nhiều địa điểm phục vụ Festival

Những chậu lúa do nông dân Hậu Giang trồng đã được đưa đến trưng bày tại nhiều địa điểm phục vụ Festival

Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, nông dân Hậu Giang đã góp sức tạo nên 20.000 chậu lúa để phục vụ Festival lần này. “Có 10.000 chậu lúa gieo sạ trước, hiện nay đang vào giai đoạn đòng và trổ bông. Sau đó có 5.000 chậu vừa vừa, thấp hơn cùng với 5.000 chậu lúa đã chín vàng, tổng cộng là 20.000 chậu mới đủ số lượng cung cấp thêm cho các khu trưng bày phục vụ Festival”, ông Long cho biết.

Cũng theo ông Ngô Minh Long, sau khi lễ hội kết thúc, Hậu Giang vẫn tiếp tục trưng bày "Con đường lúa gạo Việt Nam" cho tới kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, chậu lúa nào héo sẽ thay thế bằng hoa kiểng. Sau đó, TP Vị Thanh sẽ tận dụng con đường này làm con đường hoa phục vụ Tết.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/20000-chau-lua-phuc-vu-festival-quoc-te-nganh-hang-lua-gao-viet-nam-post1064724.vov