2024 tiếp tục là một năm đầy nguy hiểm với các nhà báo, khi 104 người bị sát hại

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) đã công bố những phát hiện ban đầu trong báo cáo thường niên về các nhà báo và nhân viên truyền thông thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. Báo cáo chỉ ra rằng năm 2024 tiếp tục là một năm đầy nguy hiểm đối với các nhà báo trên toàn thế giới.

Tính đến ngày 10/12/2024, IFJ ghi nhận 104 nhà báo bị giết, trong đó hơn một nửa số nạn nhân là từ Gaza, Palestine (55 người). Tình hình rất nghiêm trọng dù con số này giảm so với 129 vụ giết hại nhà báo vào năm 2023, một trong những năm có nhiều vụ giết hại nhất trong lịch sử nghi nhận của IFJ (từ 1990).

IFJ tiếp tục kêu gọi cần thiết lập Công ước quốc tế bảo vệ các nhà báo, yêu cầu Liên hợp quốc thông qua một hiệp ước bảo vệ các chuyên gia truyền thông.

Báo cáo này, mặc dù chưa đầy đủ, cho thấy có 104 nhà báo bị sát hại từ đầu năm 2024, trong đó có 12 phụ nữ.

 Lễ tang phóng viên truyền hình Palestine Abu Hatab, một trong hơn 100 nhân viên truyền thông thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel. Ảnh: Anadolu

Lễ tang phóng viên truyền hình Palestine Abu Hatab, một trong hơn 100 nhân viên truyền thông thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel. Ảnh: Anadolu

Trung Đông và Thế Giới Ả Rập: 66 nhà báo

Khu vực Trung Đông và Thế Giới Ả Rập đã giữ vị trí là khu vực có nhiều nhà báo thiệt mạng nhất trong năm 2024, với 66 vụ giết hại. Cuộc chiến ở Gaza và Lebanon tiếp tục làm dấy lên tình trạng thảm sát, khi các nhà báo từ Palestine (55 người), Lebanon (6 người) và Syria (1 người) là những nạn nhân chủ yếu, chiếm 60% tổng số nhà báo thiệt mạng trong năm nay.

Từ khi cuộc chiến ở Gaza bùng phát vào ngày 7/10/2023, ít nhất 138 nhà báo Palestine đã thiệt mạng, khiến Palestine trở thành một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo hiện nay, đứng sau Iraq, Philippines và Mexico.

Vào ngày 13/10/2023, IFJ đã kêu gọi UNESCO bảo vệ các nhà báo, yêu cầu ngừng bắn dài hạn và mở các hành lang nhân đạo, nhưng những nỗ lực này vẫn không đạt được kết quả.

Ngoài Gaza, ba nhà báo đã thiệt mạng tại Iraq trong năm nay, bao gồm hai phụ nữ vào ngày 23/8 và một nhiếp ảnh gia bị sát hại tại Syria vào ngày 4/12.

Châu Á - Thái Bình Dương: 20 nhà báo

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực lớn nhất mà IFJ theo dõi, chứng kiến số lượng nhà báo thiệt mạng tăng lên trong năm 2024. Với 20 trường hợp, con số này cao hơn nhiều so với năm 2023 (12 vụ) và 2022 (16 vụ). Bạo lực gia tăng ở Nam Á, với 6 vụ giết hại nhà báo ở Pakistan, 5 vụ ở Bangladesh và 3 vụ ở Ấn Độ.

Myanmar chứng kiến 3 vụ giết hại nhà báo trong năm nay, trong khi Indonesia và Kazakhstan mỗi quốc gia có một nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp.

Châu Phi: 8 nhà báo

Tính đến nay, châu Phi đã có 8 nhà báo bị sát hại, so với 4 người vào năm 2022 và 9 người vào năm 2023. Sudan chịu tổn thất nặng nề nhất trong năm nay với 5 nhà báo bị giết, liên quan đến cuộc xung đột đẫm máu giữa lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).

Ngoài Sudan, hai nhà báo ở Somalia và một ở Chad cũng đã mất mạng, phản ánh tình trạng chính trị bất ổn và bạo lực gia tăng ở các quốc gia này.

Châu Mỹ: 6 nhà báo

Trước khi xung đột bùng phát ở Gaza, khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là Mexico, đã là một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Trong năm 2024, IFJ ghi nhận 6 vụ giết hại nhà báo, trong đó có 5 người Mexico và một người Colombia. Các vụ tấn công này chủ yếu liên quan đến các vấn đề buôn bán ma túy, vốn đã hoành hành ở Mexico suốt hơn hai thập kỷ.

Châu Âu: 4 nhà báo

Cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục là nguyên nhân chính khiến các nhà báo thiệt mạng ở châu Âu, với 4 nhà báo bị giết trong năm 2024. Mặc dù tình hình ở Ukraine nghiêm trọng, nhưng châu Âu vẫn là khu vực an toàn nhất thế giới đối với các nhà báo.

Ngọc Ánh (theo NUJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/2024-tiep-tuc-la-mot-nam-day-nguy-hiem-voi-cac-nha-bao-khi-104-nguoi-bi-sat-hai-post325101.html