30 Năm UNCLOS vững vàng, linh hoạt và thích ứng

Trong 3 thập kỷ qua, thế giới trải qua nhiều biến động, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng không ngoại lệ khi phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Với giá trị được thế giới công nhận như Hiến pháp của đại dương, UNCLOS đã kiến tạo những nền tảng để giải quyết các nhu cầu và thách thức đang nổi lên về quản trị biển và đại dương, đặc biệt là các vấn đề mới nổi từ đầu thế kỷ XXI.

Đột phá trong lĩnh vực luật biển

Năm 2024 đánh dấu 30 năm UNCLOS chính thức có hiệu lực (từ ngày 16-11-1994), khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và có giá trị lịch sử quan trọng trong quản trị biển và đại dương.

Nhìn lại lịch sử về sự ra đời của UNCLOS, trong giai đoạn 1960-1970, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến biển và đại dương đã bắt đầu nổi lên, như cơ chế đánh bắt cá chưa được quy định rõ ràng và gây nhiều tranh cãi, hay các nước mới giành được độc lập từ quá trình phi thuộc địa hóa nhận thấy phải tái định hình các quy định về luật biển để phản ánh lợi ích của họ.

Bất đồng quan điểm giữa các nước đang phát triển và các cường quốc về biển từ đó cũng ngày càng lộ rõ. Một bên muốn mở rộng phạm vi thẩm quyền và quyền tài phán trên biển, trong khi bên còn lại muốn bảo đảm các quyền tự do trên biển và hạn chế mở rộng phạm vi quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Một số nước duy trì phạm vi lãnh hải 3 hải lý, trong khi một số nước lại theo xu hướng muốn mở rộng phạm vi lãnh hải hơn 3 hải lý để quản lý và khai thác tài nguyên biển hiệu quả…

Trong thập kỷ tiếp theo (1970-1980), một loạt nghị quyết và tuyên bố đã đặt nền tảng cho quá trình đàm phán UNCLOS, phản ánh sâu sắc mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế thời bấy giờ. Có thể kể đến một số văn kiện quan trọng như: Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên (1962); Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 2750C (1970) quyết định tổ chức Hội nghị về luật biển nhằm thiết lập cơ chế quốc tế công bằng cho vùng và tài nguyên ở đáy biển và nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia…

Xuất phát từ nhu cầu khai thác tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển, các quốc gia quyết tâm nỗ lực đàm phán xây dựng một văn kiện mới về luật biển. Sau 9 năm đàm phán, tại Hội nghị Liên hợp quốc về luật biển lần thứ 3, các quốc gia đã thành công xây dựng một điều ước quốc tế toàn diện, phổ quát nhằm giải quyết các mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế lúc bấy giờ, chính là UNCLOS. Bản “Hiến pháp về biển và đại dương” bao gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các hoạt động quản lý và sử dụng biển đại dương, được thông qua và mở ký vào năm 1982.

Sau khi được thông qua, Công ước vấp phải nhiều thách thức, nhưng các bên đều đã vận dụng các quy định mang tính nguyên tắc của Công ước, tiến hành đàm phán xây dựng các hiệp định giúp UNCLOS thích ứng với tình hình thực tế mới và giải quyết các phản đối, bất đồng. Đồng thời bổ sung các quy định chi tiết hơn, giải pháp thúc đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Công ước của nhiều quốc gia.

Phổ quát, nhất quán và toàn diện

Trải qua 30 năm, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi và gặp nhiều thách thức mới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa trên biển và đại dương, nước biển dâng và quản trị các công nghệ mới. Trước những thách thức đó, UNCLOS vẫn tiếp tục minh chứng vai trò là khuôn khổ pháp lý phổ quát, nhất quán và toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Tàu thuyền của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển Đông - Ảnh: TTXVN

Tàu thuyền của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển Đông - Ảnh: TTXVN

Vai trò của Công ước trong quản trị biển và đại dương trong bối cảnh nhiều thách thức mới nảy sinh được ghi nhận tại các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan tới biển và đại dương, quan trọng nhất là nghị quyết thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dương và luật biển. Đồng thời, Công ước đã tạo khuôn khổ pháp lý nền tảng, làm cơ sở xây dựng các văn kiện pháp lý khác về biển và đại dương, bao gồm Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa. Đây cũng là căn cứ pháp lý của tiến trình xây dựng văn kiện pháp lý mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) để điều chỉnh các hình thức hoạt động mới ở đáy đại dương, hướng tới bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên chung của nhân loại.

Cộng đồng quốc tế khẳng định, UNCLOS đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định thông qua việc giải quyết tranh chấp. Cơ chế giải quyết tranh chấp được xây dựng bởi UNCLOS đã giải quyết tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia trong giải thích và áp dụng Công ước. UNCLOS cũng góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương. Đồng thời giải quyết các vấn đề mới nổi và hướng tới tương lai.

Trong 30 năm qua, nhiều thách thức mới nổi đã đặt ra câu hỏi về việc liệu UNCLOS có còn phù hợp không. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình 30 năm, đặc biệt là những diễn biến trong thời gian gần đây, UNCLOS không hề bị lu mờ trong việc giải quyết các thách thức mà còn tiếp tục giữ vững sự linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới.

Trải qua 9 năm đàm phán xây dựng, 12 năm kể từ khi được thông qua cho tới khi có hiệu lực và 30 năm phát triển, UNCLOS - bản Hiến pháp của biển và đại dương vẫn giữ vững vai trò là khuôn khổ pháp lý toàn diện, nhất quán điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Thanh Trúc (vibiendaovietnam.vn)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/383/166321/30-nam-unclos-vung-vang-linh-hoat-va-thich-ung