409 hộ với 1.500 người ở Thanh Hóa bị cô lập do mưa bão số 3 Wipha
Mưa lớn trong bão số 3 Wipha đã gây ngập lụt, khiến 2 thôn ở xã miền núi Mậu Lâm (Thanh Hóa) bị chia cắt, 409 hộ/1.500 nhân khẩu bị cô lập.
Chiều 22-7, ông Lê Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Mậu Lâm, tỉnh Thanh Hóa, cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn xã có mưa rất lớn từ tối 21-7 đến ngày 22-7 khiến nhiều điểm tràn trên địa bàn xã bị nước tràn qua, ngập sâu gây chia cắt cục bộ.

Một góc thôn Phú Sơn (xã Mậu Lâm, tỉnh Thanh Hóa) ngập sâu trong mưa bão số 3 Wipha khiến con đường độc đạo bị nhấn chìm trong nước
Đặc biệt, mưa lớn đã làm tuyến đường độc đạo từ xã Nông Cống lên xã Mậu Lâm có 2 điểm ngập sâu, giao thông không thể qua lại được, gây chia cắt, cô lập 2 thôn Khe Sình và Phú Sơn (xã Mậu Lâm).
"Hiện thôn Phú Sơn có 273 hộ/1.017 nhân khẩu và thôn Khe Sình có 136 hộ/486 khẩu bị nước cô lập, không qua lại được. Ngoài bị cô lập, toàn bộ hoa màu, lúa của 2 thôn này cũng ngập sâu trong nước. Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã đã lập chốt, cắt cử lực lượng túc trực 24/24 giờ để ứng phó với các tình huống xảy ra"- ông Cường cho hay.

Lãnh đạo xã Mậu Lâm, tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tình hình mưa bão trên địa bàn xã
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16 giờ ngày 22-7, chính quyền các địa phương đã chủ động sơ tán 342 hộ với 1.578 nhân khẩu đến nơi an toàn. Mưa bão khiến 7 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 2.075 ha lúa và 136,55 ha hoa màu (ngô, sắn, lạc, rau…) bị đổ, ngập. Cây xanh đô thị đổ gãy 20 cây; 2 con bò, 5 con heo, 3.050 con gia cầm bị cuốn trôi.
Các xã, phường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trước và trong bão số 3 đã huy động 100% lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", cắm mốc, đặt biển cảnh báo và tuyên truyền, cấm người và phương tiện vào khu vực nguy hiểm.




Nhiều cây cối, hoa màu tại thôn Phú Sơn và thôn Khe Sình ngập sâu trong nước
Mưa bão cũng làm giao thông trên các tuyến Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16 sạt lở taluy, sa bồi, lún nứt, gãy tường chắn tại nhiều điểm với tổng khối lượng đất đá khoảng 20.270 m³, trong đó có điểm tại Km77+700/QL15C gây tắc đường.
Theo dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên từ chiều tối nay đến chiều tối 24-7, ở khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông. Lượng mưa ở khu vực vùng núi phía Bắc và Tây Bắc từ 80-150 mm, có nơi trên 150 mm; khu vực vùng núi phía Tây, Tây Nam và đồng bằng ven biển từ 100-200 mm, có nơi trên 200 mm.

Nước ngập ngấp nghé 1 nhà dân ở thôn Phú Sơn
Hiện nay, mực nước sông Yên tại Chuối ở mức 3.12 m (lúc 15 giờ ngày 22-7; trên báo động (BĐ) II 0.32 m) và đang lên nhanh; mực nước trên các sông khác vẫn dao động lên và còn ở dưới mức báo động 1. Từ ngày 22-7 đến ngày 25-7, lũ trên các sông tiếp tục lên với biên độ lũ lên tại các trạm ở thượng lưu từ 3-6 m, các trạm hạ lưu từ 2-4 m. Mực nước đỉnh lũ các trạm ở thượng lưu sông Mã, sông Bưởi và các sông nhỏ có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 có nơi trên BĐ2. Các trạm hạ lưu dòng chính dao động dưới mức BĐ1.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý Thanh Hóa mưa lớn sau bão số 3
Trong sáng ngày 22-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công trình chống sạt lở đê sông Chu (xã Thiệu Hóa); cống Quanh trên đê sông Chu (xã Thọ Lập); hệ thống thủy lợi Cửa Đạt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thị sát chỉ đạo phòng, chống mưa bão tại Thanh Hóa ngày 22-7
Tại đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương phải duy trì nghiêm chế độ thường trực, tuyệt đối không được chủ quan, sẵn sàng các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý sau bão số 3, trọng tâm ứng phó lúc này phải chuyển sang vấn đề mưa lớn, nhất là mưa lớn kéo dài, có thể tiếp diễn trong hôm nay và ngày mai. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến các khu vực hồ, đập, hồ chứa, nhất là các hồ lớn. Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi lượng mưa vượt ngưỡng sau hoàn lưu bão số 3.