5 điều cần biết mối quan hệ 'khủng' của J.D. Vance với giới tỉ phú công nghệ

Mặc dù sự nổi tiếng của ông J.D. Vance được biết đến rộng rãi nhờ cuốn hồi ký bán chạy 'Hillbilly Elegy', một khía cạnh khác đang thu hút sự chú ý dư luận: Mối quan hệ của ông với giới tỉ phú ở Thung lũng Silicon.

Thượng nghị sĩ J.D. Vance của Ohio bắt tay cựu Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở Delaware, Ohio năm 2023 (Ảnh: Getty)

Thượng nghị sĩ J.D. Vance của Ohio bắt tay cựu Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở Delaware, Ohio năm 2023 (Ảnh: Getty)

Cuốn sách của Vance năm 2016 về những khó khăn thời thơ ấu của ông được xuất bản gần vào thời điểm ông bắt đầu lặng lẽ củng cố mối quan hệ với một nhóm những tỉ phú công nghệ đầy quyền lực, có thể coi là đối lập với giai cấp công nhân của khu vực Vành đai Rỉ sét (Rust Belt).

Bây giờ, khi được cựu Tổng thống Donald Trump chọn làm ứng viên Phó Tổng thống, nhiều nhà lãnh đạo công nghệ hàng đầu đang hội tụ quanh ứng viên của đảng Cộng hòa và dự kiến sẽ giúp đỡ về tài chính cho chiến dịch tái cử của ông Trump.

Dưới đây là 5 điều cần biết về lý do mà giới tỉ phú công nghệ ủng hộ Vance và tầm quan trọng của điều này đối với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.

Elon Musk và các nhà đầu tư mạo hiểm dẫn đầu chiến dịch ủng hộ Trump/Vance

Tỉ phú Elon Musk đã công khai ủng hộ ông Trump chỉ vài phút sau khi một kẻ sát nhân tại Pennsylvania cố ám sát ông, và ông càng tăng cường ủng hộ khi Trump công bố chọn Vance làm phó tướng của mình.

Khoảng thời gian làm việc trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại San Francisco, Vance trở thành môn đồ của Peter Thiel, một trong những người sáng lập PayPal và được xem là một “vị vua” kiến tạo trong Thung lũng Silicon. Khi Vance tranh cử Thượng nghị sĩ, Thiel đã đóng góp 15 triệu USD cho chiến dịch của ông.

Vance cũng đã thiết lập mối quan hệ với David Sacks, một cựu giám đốc điều hành công nghệ và người làm podcast. Sacks đã trở thành một người cổ vũ hết mình cho Musk kể từ khi tỉ phú này mua lại Twitter, hiện tại là X. Sacks gần đây đã tổ chức một buổi gây quỹ cho ông Trump tại nhà mình ở San Francisco, thu được 12 triệu USD cho ngài cựu Tổng thống.

Tuần này, Sacks đã phát biểu tại Đại hội Quốc gia đảng Cộng hòa, nơi ông dành nhiều thời gian chỉ trích Tổng thống Joe Biden vì ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Sử dụng X như một loa phát thanh, Musk và Sacks đã liên tục kêu gọi ủng hộ Trump và Vance.

Các tỉ phú công nghệ đóng góp hàng triệu USD và dự kiến tăng tốc

Ngay sau khi Vance được công bố là ứng cử viên Phó Tổng thống của ông Trump, một ủy ban hành động chính trị siêu cấp (Super PAC) mới được thành lập với tên gọi America PAC, có sự ủng hộ của những người như Winklevoss, tỉ phú tiền mã hóa, Joe Lonsdale, đồng sáng lập công ty phân tích dữ liệu Palantir, Doug Leone thuộc quỹ Sequoia Capital và nhiều người khác. Nhóm này đã gây quỹ hơn 8 triệu USD, theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban Bầu cử Liên bang.

Khoản tiền này có thể biến thành một lực lượng đáng gờm cho chiến dịch của Trump.

Andreessen và Horowitz sẽ đầu tư một khoản tiền lớn vào nhóm. Và theo Wall Street Journal, Elon Musk có thể đổ vào tới 45 triệu USD mỗi tháng.

Việc chọn lựa chọn Vance của ông Trump đã nhận được sự khen ngợi trong các lĩnh vực tài chính, tiền mã hóa, trong đó các nhà đầu tư hy vọng vào việc nới lỏng quy định đối với tiền mã hóa. Trong báo cáo tài chính liên bang mới nhất của mình, Vance cho biết ông sở hữu từ 100,000 đến 250,000 USD dưới dạng Bitcoin.

Các đại diện của giới công nghệ cao cấp coi Vance như một yếu tố thay đổi trong chính sách thuế, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và quy định tiền mã hóa.

Marc Andreessen và Ben Horowitz, những người điều hành công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng mang tên họ, đã phát sóng một chương trình podcast vào thứ Ba để nêu lý do họ ủng hộ Trump và Vance.

Horowitz cho biết ông dè dặt khi tham gia vào chính trị, nhưng không có sự lựa chọn nào khác, vì "tương lai của doanh nghiệp của chúng tôi, tương lai của công nghệ, công nghệ mới, và tương lai của Mỹ đang được đặt trên bàn cân", ông nói.

Cặp đôi này cho biết các quy định đề xuất của chính quyền Biden đối với tiền mã hóa và AI quá nặng tay. Họ lo ngại rằng một nhiệm kỳ thứ hai của ông Biden sẽ hạn chế sự sáng tạo của Mỹ.

Công ty của họ đã đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp tiền mã hóa và AI, là những đội cược lớn trong hai lĩnh vực này, theo Samuel Hammond, một nhà kinh tế của tổ chức nghiên cứu Foundation for American Innovation.

"Việc đầu tư này có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của chính phủ Mỹ", Hammond nói với NPR.

Andreessen, người trước đây đã ủng hộ đảng Dân chủ, cho biết ông quyết định từ bỏ ông Biden do chính sách của Tổng thống nhắm vào tầng lớp siêu giàu: mức thuế 25% đối với lợi nhuận chưa thực tế của các hộ gia đình có tài sản trên 100 triệu USD.

Andreessen cho rằng loại thuế này đối với người giàu nhất Mỹ "làm cho các công ty khởi nghiệp hoàn toàn không thể thực hiện".

Những lời bình luận này cho thấy sự kết hợp của phái cánh hữu của Thung lũng Silicon và phong trào dân túy của Trump.

"Ở Thung lũng Silicon, nếu có điều gì đang nổi lên trong phái cánh hữu, đó là cảm giác hệ thống hiện tại đã sụp đổ và niềm tin rằng họ có thể xây dựng một hệ thống tốt hơn", Hammond nhấn mạnh.

Một cách để chống lại “chủ nghĩa tỉnh thức”

Trong khi nhiều tỉ phú công nghệ ủng hộ Trump và Vance ca tụng các quan điểm chính sách ủng hộ Thung lũng Silicon, một yếu tố khác là giới công nghệ cao hiện nay đang ủng hộ đảng Cộng hòa như là cách để tạo phong trào chống lại những người theo thuyết tự do.

Cho dù đó là phản đối các quy tắc đa dạng, công bằng và hòa nhập hay các chính sách hỗ trợ thanh niên chuyển giới, Musk, Sacks và những người khác trong giới tinh hoa công nghệ đã sử dụng X để tấn công các vấn đề chiến tranh văn hóa.

“Rất nhiều người trước đây xem mình là những người theo chủ nghĩa tự do, nhưng bây giờ họ đang thay đổi quan điểm hoặc chuyển hướng sang phong trào dân túy, theo đuổi chủ nghĩa Trump. Vance là một ví dụ điển hình cho xu hướng này”, theo Max Chafkin, người viết "The Contrarian: Peter Thiel and Silicon Valley’s Pursuit of Power", một cuốn sách nói về Vance.

"J.D. Vance được xem là một trong số những người trong nhóm này", Chafkin bổ sung. "Ông ấy cũng có các quan điểm chính sách có thể được coi là thân thiện với công nghệ. Nhưng tôi nghĩ rằng điều này là yếu tố không quan trọng bằng phần danh tính".

Sự ủng hộ từ cộng đồng đầu tư mạo hiểm

Một phần lớn của ngành công nghệ vẫn nghiêng về cánh tả. Các công nhân công nghệ thường ủng hộ đảng Dân chủ và đóng góp của họ thường là vì những mục đích cánh tả.

The Information, một trang tin công nghệ phổ biến tại Thung lũng Silicon, đã tiến hành một cuộc khảo sát độc giả vào tuần này và phát hiện ra rằng gần 60% người tham gia nói rằng họ sẽ bầu cho Tổng thống Biden vào tháng 11.

Tuy nhiên, khi nói đến các nhà tài trợ công nghệ và những người giàu có hơn, câu chuyện lại khác, theo tác giả Chafkin.

"Thật hấp dẫn khi nghĩ rằng tất cả Thung lũng Silicon đều ủng hộ cựu Tổng thống Trump, nhưng thực tế đang diễn ra là cánh hữu của Thung lũng Silicon đã bắt đầu hành động và bị thuyết phục để sẵn sàng chi tiền", ông nói.

Giám đốc điều hành của các công ty lớn nhất, như Apple, Nvidia, Meta, Microsoft, Amazon và Google chưa tán thành bất kỳ ứng cử viên nào, giữ đúng truyền thống lãnh đạo nhóm Big Tech luôn đứng bên lề cuộc bầu cử Tổng thống.

Thu Quyên

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/5-dieu-can-biet-moi-quan-he-khung-cua-jd-vance-voi-gioi-ti-phu-cong-nghe-post176601.html