50 năm thành lập Báo Người Lao Động: Người hỗ trợ pháp lý thầm lặng

Báo Người Lao Động cần tăng cường các bài phân tích pháp lý chuyên sâu về pháp luật lao động để người lao động, doanh nghiệp hiểu sâu, vận dụng đúng.

Hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực lao động, công đoàn và tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động, cũng là ngần ấy năm tôi gắn bó với Báo Người Lao Động. Tôi không chỉ là bạn đọc trung thành mà còn tham gia tư vấn, trả lời các chế độ chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm cho bạn đọc với tư cách chuyên gia trên mặt báo; tham gia các diễn đàn về góp ý luật, chính sách do báo thực hiện…

Mời bạn đọc cùng tham gia viết cảm tưởng về Báo Người Lao Động tại đây.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất ở Báo Người Lao Động là cách tiếp cận thông tin rất gần gũi với đời sống công nhân, người lao động, các cán bộ công đoàn lẫn doanh nghiệp. Các thông tin hưu ích về chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm, công đoàn… cũng được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Khác với nhiều tờ báo khác, Người Lao Động đi sâu vào đời sống thực tế của người công nhân, người làm thuê, những nhóm đối tượng thường chịu nhiều thiệt thòi và dễ tổn thương. Những bài viết về việc làm, điều kiện lao động, nợ lương, nợ BHXH, tình trạng doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người lao động... luôn được phản ánh đúng, kịp thời.

Ông Trần Văn Triều, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM

Ông Trần Văn Triều, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM

Ở nhiều vụ việc, báo không chỉ đưa tin mà còn cử phóng viên dấn thân điều tra, phản ánh các vụ việc cụ thể tại doanh nghiệp. Cách tiếp cận của báo thiên về phản biện mang tính xây dựng, giúp doanh nghiệp nhận ra sai sót để khắc phục vừa tác động đến cơ quan chức năng, từ đó góp phần bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Thêm vào đó, các bài viết trên Báo Người Lao Động thường có sự tham gia bình luận của chuyên gia, luật sư, cán bộ công đoàn giúp thông tin có chiều sâu, đáng tin cậy.

Ngoài ra, báo còn tích cực góp phần sửa đổi, hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm, lao động, việc làm… thông qua những bài viết phản biện, nêu lên các bất cập của chính sách trong thực tiễn.

Với đặc thù nghề nghiệp của mình, Báo Người Lao Động không chỉ là một tờ báo – mà còn là người bạn nghề, người hỗ trợ pháp lý thầm lặng của tôi. Ở một số sự việc, từ sự đồng hành của Báo Người Lao Động mà công tác tuyên truyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động của chúng tôi trở nên thuận lợi hơn…

Mời bạn đọc viết cảm tưởng về Báo Người Lao Động

Để phát huy thế mạnh của mình, tôi nghĩ thời gian tới báo cần tiếp tục tăng cường các bài viết phân tích pháp lý chuyên sâu về tranh chấp lao động, BHXH, lương thưởng, sa thải, tai nạn lao động… kèm hướng dẫn xử lý phù hợp để người lao động, doanh nghiệp hiểu sâu và vận dụng đúng.

Bên cạnh đó, cập nhật sớm các chính sách mới và phân tích tác động của chúng đến doanh nghiệp và người lao động; tổ chức các diễn đàn trực tuyến nhằm kết nối người lao động, doanh nghiệp với đội ngũ chuyên gia, luật sư, cơ quan quản lý nhà nước để cùng trao đổi kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn trong thực tế…

Trần Văn Triều, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/50-nam-thanh-lap-bao-nguoi-lao-dong-nguoi-ho-tro-phap-ly-tham-lang-196250719063443545.htm