5G có thể đóng góp tới 130 tỷ USD cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2030
Nghiên cứu mới của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho thấy, chỉ riêng công nghệ 5G đã được kỳ vọng mang lại giá trị kinh tế lên tới 130 tỷ USD cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2030.

Ảnh chụp trang bìa báo cáo.
Chiều 22/7, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP), Singapore công bố báo cáo nghiên cứu với tiêu đề "Tận dụng 5G để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi do AI dẫn dắt tại ASEAN: Những bắt buộc, góc nhìn chính sách và khuyến nghị", chỉ rõ cách có thể tận dụng sự hội tụ giữa 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang tính chuyển đổi.
Báo cáo 148 trang là kết quả của các khảo sát và phỏng vấn chuyên sâu với hơn 400 chuyên gia tại 8 quốc gia thành viên ASEAN. Do GS Vũ Minh Khương - Giáo sư thực hành tại LKYSPP chủ biên, báo cáo cung cấp một phân tích toàn diện ở cấp độ khu vực về cách các quốc gia thành viên ASEAN đang ứng phó với những thách thức và cơ hội trong việc áp dụng 5G và AI, đồng thời đưa ra những góc nhìn sâu sắc về tiềm năng chuyển đổi mạnh mẽ từ sự hội tụ giữa 5G và AI tại khu vực.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, ASEAN đang đứng trước một cơ hội to lớn khi chỉ riêng công nghệ 5G đã được kỳ vọng đóng góp tới 130 tỷ USD cho nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2030.
Tuy nhiên, mức độ ứng dụng 5G vẫn còn chênh lệch lớn trong khu vực, từ 48,3% tại Singapore cho đến dưới 1% tại một số quốc gia thành viên ASEAN. Báo cáo nêu rõ, nếu không có hành động phối hợp kịp thời, những chênh lệch này có thể làm sâu sắc thêm khoảng cách số và làm suy yếu năng lực cạnh tranh khu vực, khiến ASEAN bị tụt lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu.
Tại lễ ra mắt báo cáo, GS Vũ Minh Khương nhấn mạnh: Sự hội tụ giữa 5G và AI chính là hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các lĩnh vực như sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, và giao thông tự hành.

Các chuyên gia chia sẻ về những thách thức và cơ hội trong việc áp dụng 5G và AI tại ASEAN trong khuôn khổ lễ ra mắt báo cáo. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Nêu rõ ASEAN không thể chần chừ khi cánh cửa để khẳng định vai trò dẫn đầu khu vực trong kết nối thông minh đang nhanh chóng khép lại, GS Vũ Minh Khương cũng kêu gọi hành động và thiết lập những chiến lược phối hợp để thúc đẩy vai trò lãnh đạo khu vực trong việc kết nối thông minh nhằm giúp khu vực vượt lên khỏi các bước cải tiến nhỏ lẻ, hướng tới vai trò lãnh đạo số mang tính chuyển đổi.
Nghiên cứu của LKYSPP xác định 10 trụ cột cấp thiết nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi 5G-AI, với trọng tâm đầu tiên là thiết lập vai trò lãnh đạo số phối hợp để giải quyết tình trạng phân mảnh đang kìm hãm tốc độ tiến bộ khu vực.
Các chính phủ cũng cần nhìn nhận 5G như một hạ tầng chiến lược cho AI, chứ không đơn thuần là nâng cấp viễn thông, đồng thời cần khẩn trương thu hẹp khoảng cách kỹ năng đang cản trở doanh nghiệp áp dụng công nghệ.
Để bảo đảm tương lai số của ASEAN, báo cáo đề xuất 5 ưu tiên chiến lược: Xây dựng các chiến lược phát triển 5G-AI quốc gia với lộ trình rõ ràng đến năm 2030; Thành lập cơ quan điều phối tại các quốc gia thành viên ASEAN; Triển khai các chính sách bao trùm, tiên tiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và đổi mới; Phát triển hệ sinh thái AI thông qua hợp tác công-tư; Triển khai các cơ chế giám sát mạnh mẽ để theo dõi tiến độ và cho phép điều chỉnh lộ trình.
Báo cáo nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần được đặt làm trung tâm trong việc thúc đẩy tác động kinh tế của 5G. Trong khu vực đã có một số mô hình thành công tiêu biểu, cho thấy sức mạnh chuyển đổi nếu chiến lược được phối hợp thực hiện bài bản, thí dụ như cảng thông minh sử dụng 5G tại Singapore giúp giảm độ trễ tới 50%; Thái Lan triển khai hệ thống quản lý thiên tai tích hợp AI; Malaysia đạt tỷ lệ phủ sóng dân số tới 82% nhờ mô hình mạng viễn thông chia sẻ.
Theo báo cáo, mạng 5G riêng tư (private 5G) là yếu tố then chốt trong công cuộc chuyển đổi công nghiệp 4.0, trong khi truy cập không dây cố định (FWA) là giải pháp hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách kết nối tại các khu vực khó tiếp cận.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc triển khai 5G hiện tại chính là nền móng cho sự phát triển của 6G vào năm 2030, vì thế các quyết định chiến lược hiện nay sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Nhìn về phía trước, nghiên cứu chỉ ra một viễn cảnh nơi ASEAN dẫn đầu trong kỷ nguyên 5G-AI: Doanh nghiệp vươn ra toàn cầu nhờ sản xuất thông minh; nông dân tối ưu hóa năng suất nhờ phân tích dữ liệu AI; học sinh vùng sâu vùng xa được tiếp cận nền giáo dục nhập vai tiên tiến.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, báo cáo kêu gọi các quốc gia ASEAN cần sự phối hợp chiến lược, quyết tâm mạnh mẽ và cam kết chuyển đổi số bền vững.