6 nhóm giải pháp phát triển giao thông công cộng xanh ở Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QĐ-UBND về việc, phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông công cộng (GTCC) bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu xanh.
Đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi TP phải tập trung thực hiện những giải pháp quyết liệt, toàn diện.
Cơ chế, chính sách là chủ công
Song song với việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phác thải khí cacbon và khí mêtan của ngành GTVT, Hà Nội đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể, đến năm 2035 sẽ sử dụng toàn bộ hệ thống xe buýt nhiên liệu sạch (điện, khí thiên nhiên CNG/LNG…).
Để đạt được mục tiêu đó không hề dễ dàng, cần có nhóm giải pháp toàn diện, hiệu quả, đặc biệt nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách được xem là chủ công quan trọng nhất. Có cơ chế chính sách phù hợp, thông thoáng mới tháo gỡ được những khó khăn về hạ tầng, nguồn vốn đầu tư… cho xe buýt Hà Nội.
Nhóm giải pháp cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển xe buýt xanh của Hà Nội trước tiên cần tập trung vào rà soát và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe buýt (lớn, trung bình và nhỏ) sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu/đặt hàng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Tiếp tục xem xét áp dụng đơn giá, định mức tạm thời để thực hiện đặt hàng đối với xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trong thời gian chờ ban hành định mức, đơn giá chính thức.
Mặt khác cần điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng thầu đối với các gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh theo hướng đồng bộ, phù hợp với thời gian khấu hao phương tiện để tăng tính hấp dẫn, khuyến khích các đơn vị tham gia.
Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch… tạo điều kiện cho GTCC nói chung và xe buýt nói riêng phát triển. Ví dụ như: Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND TP về “ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải”; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kính phí chi thường xuyên; Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 của UBND TP Hà Nội…
Đến nay trong tình hình mới, những nghị quyết, nghị định nêu trên cần được đánh giá và cập nhật, điều chỉnh. Đặc biệt phải ưu tiên xem xét, rà soát lại một số chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Bổ sung các cơ chế theo hướng nâng hạn mức hỗ trợ lãi suất vay; kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất vay; cho vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển TP; đa dạng hình thức hỗ trợ và đơn giản hóa, giảm thiểu các ràng buộc trong việc tiếp cận hỗ trợ; Việc hỗ trợ đầu tư phương tiện có thể xem xét trên cơ sở hợp đồng mua phương tiện của DN, hợp đồng vay và hợp đồng thầu cung cấp dịch vụ đối với cơ quan Nhà nước...
Hay như về Ban hành quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kính phí chi thường xuyên của TP… cũng cần đánh giá lại, đề xuất điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó cần ban hành quy định cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch trên địa bàn TP Hà Nội…
Huy động mọi nguồn lực
Một trong những khó khăn lớn nhất với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang sử dụng nhiên liệu xanh là nguồn vốn đầu tư rất lớn. TP cần có chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, Nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng và phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Ngân sách TP phải tiếp tục bố trí, sử dụng có hiệu quả kinh phí trợ giá cho hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (ưu tiên cho xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh) cũng như hỗ trợ một phần chi phí lãi vay đầu tư phương tiện, đầu tư hạ tầng. Khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho DN vận tải và các đơn vị xã hội hóa đầu tư phương tiện, pin thay thế và lãi vay; đầu tư hạ tầng trạm sạc/trạm tiếp nhiên liệu (CNG/LNG), trạm biến áp, hệ thống điều khiển, hệ thống cung cấp điện tại depot.
Để phát triển được hạ tầng vững chắc, phục vụ đắc lực cho việc chuyển đổi sang xe buýt xanh, Hà Nội cần xây dựng hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng theo các giai đoạn bảo đảm cung ứng đủ cho xe buýt xanh hoạt động. Nghiên cứu xây dựng các trạm sạc điện nhanh tại các điểm đầu cuối các tuyến xe buýt, trạm sạc công cộng, trạm cung cấp nhiên liệu mới bảo đảm thuận lợi, tiện nghi cho người sử dụng, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng và nguồn lực đầu tư.
Ngành Điện lực cần có phương án cung cấp, bảo đảm nguồn điện công suất lớn để vận hành các trạm nạp cho xe điện trên toàn mạng lưới xe buýt của TP, bảo đảm xe buýt hoạt động ổn định, không bị gián đoạn. Tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới, phương tiện, dịch vụ các tuyến bảo đảm phương tiện tối ưu khi thực hiện chuyển đổi, nhằm giảm tối đa chi phí tái cấu trúc mạng lưới các tuyến buýt. Thiết kế lại các tuyến buýt khi đưa vào đấu thầu, bảo đảm phù hợp với đặc điểm kỹ thuật, khả năng hoạt động của các loại xe buýt điện, CNG/LNG.
Quy hoạch các đầu mối giao thông, hệ thống bãi đỗ xe kết hợp lồng ghép các yêu cầu về dành một diện tích đất nhất định để quy hoạch trạm sạc điện, trạm cung cấp năng lượng xanh. Xây dựng các quy chuẩn về hạ tầng dùng chung cho hệ thống xe buýt sử dụng năng lượng điện. Một điều kiện cũng rất quan trọng để phát triển xe buýt xanh là nguồn nhân lực. Hà Nội cần tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao nguồn nhân lực hiện có để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh và kết cấu hạ tầng năng lượng điện, năng lượng xanh.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ và môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động, tiết kiệm chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, giảm phát thải khí nhà kính cho xe buýt xanh.
Một giải pháp khác cần được tập trung thực hiện song song với quá trình chuẩn bị cho cuộc chuyển đổi toàn diện là tăng cường tuyên truyền để người dân và toàn xã hội ủng hộ thiết thực cho mục tiêu hình thành hệ thống xe buýt xanh trên toàn TP. Các cấp, các ngành, địa phương, đoàn thể của Thủ đô cần tích cực tuyên truyền, phổ biến nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của người dân và DN.