6 thập kỷ để Singapore phổ cập tiếng Anh toàn dân, họ đã làm những gì?

Nhờ chính sách cải cách giáo dục của ông Lý Quang Diệu, Singapore từng bước nâng cao trình độ tiếng Anh toàn dân và hiện là quốc gia đứng tốp 2 thế giới về mức độ thông thạo ngôn ngữ này.

 Singapore đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở các cấp, đặc biệt trong các môn Toán, Khoa học và Lịch sử. Ảnh: Singapore Government.

Singapore đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở các cấp, đặc biệt trong các môn Toán, Khoa học và Lịch sử. Ảnh: Singapore Government.

Năm 2023, tổ chức EF Education First công bố Ấn bản Chỉ số Thông thạo Anh ngữ Toàn cầu Năm 2023. Điểm đáng chú ý là trong danh sách này, châu Á chỉ có một đại diện duy nhất lọt nhóm Mức độ thông thạo rất cao, chính là Singapore.

Nước này đứng thứ 2 bảng xếp hạng với điểm đánh giá trung bình là 631/800, chỉ xếp sau Hà Lan với điểm đánh giá 647/800.

Không riêng năm 2023, từ nhiều năm trước, Singapore vẫn luôn xếp hạng cao về mức độ thông thạo tiếng Anh. Để đạt được điều này, quốc đảo nhỏ ở Đông Nam Á đã phải trải qua một quá trình dài trong việc phổ cập tiếng Anh toàn dân.

Tiếng Anh là đặc quyền

Singapore ban đầu chỉ là một làng chài nhỏ ở khu vực Đông Nam Á. Từ năm 1826 cho đến năm 1963, khi trở thành thuộc địa của Anh, nơi này thu hút một lượng lớn người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và quần đảo Mã Lai. Điều này tạo ra một cộng đồng đa văn hóa và đa ngôn ngữ.

Trong suốt thế kỷ 19, dưới thời cai trị của thực dân Anh, tiếng Anh được đưa vào giáo dục tại Singapore. Nhưng trong thời gian này, rất ít người ngoài giới tinh hoa học thức có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo trong giao tiếp và làm việc.

Vào năm 1957, cuộc điều tra dân số tại nước này chỉ ra rằng chỉ 1,8% dân số có thể nói tiếng Anh. Hệ thống giáo dục trong giai đoạn này cũng cho thấy sự phân bố rõ rệt giữa các trường sử dụng tiếng Anh và trường dạy học bằng ngôn ngữ địa phương.

 Singapore là quốc gia đa dân tộc, sử dụng 4 ngôn ngữ chính. Ảnh: Ministry of Education Singapore.

Singapore là quốc gia đa dân tộc, sử dụng 4 ngôn ngữ chính. Ảnh: Ministry of Education Singapore.

Năm 1959, chính phủ Singapore chính thức công nhận 4 ngôn ngữ là tiếng Quan Thoại cho người Hoa, tiếng Mã Lai cho người Mã Lai, tiếng Tamil cho người Ấn Độ và tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Chính phủ nhấn mạnh tiếng Anh sẽ là một trong những ngôn ngữ chính thức và quan trọng của Singapore.

Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính tại Singapore từ thế kỷ 20 vì nhiều người, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu, coi tiếng Anh là "phương tiện" để có được địa vị xã hội và nâng cao triển vọng nghề nghiệp.

Những năm đó, xã hội Singapore thừa nhận trình độ tiếng Anh là yếu tố quan trọng để có được đặc quyền, nhất là khi chính phủ đang ưu tiên những chính sách nhằm thúc đẩy tham gia kinh tế và thương mại toàn cầu.

Ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore, cũng tin rằng trình độ tiếng Anh sẽ là chìa khóa để xây dựng nền kinh tế và giúp đất nước nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.

Theo kế hoạch của ông, tiếng Anh sẽ trở thành phương tiện giảng dạy tại các trường học ở Singapore. Trong khi đó, tiếng mẹ đẻ của 3 nhóm dân tộc chính là tiếng Quan Thoại, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil sẽ được giảng dạy trong trường học như ngôn ngữ thứ hai.

Di sản để đời của ông Lý Quang Diệu

Kế hoạch của ông Lý Quang Diệu đã thành hiện thực. Từ những năm 1960, Singapore đưa chương trình giảng dạy song ngữ vào tất cả trường tiểu học và trung học trên cả nước.

Đến năm 1987, Singapore trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy cho hầu hết môn học ở trường, bao gồm Toán, Khoa học và Lịch sử.

Quốc gia này cũng chuyển sang phương pháp giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp, cụ thể là tập trung vào các tình huống thực tế để học sinh được thực hành sử dụng ngôn ngữ, thay chỉ chăm chăm vào các lý thuyết ngữ pháp trừu tượng và nhàm chán.

 Giáo viên Singapore phải cam kết giúp sinh viên học và sử dụng tốt tiếng Anh. Ảnh: Singapore Government.

Giáo viên Singapore phải cam kết giúp sinh viên học và sử dụng tốt tiếng Anh. Ảnh: Singapore Government.

Tiếp đó, vào năm 2011, ông Lý Quang Diệu quyết định thành lập Viện Anh ngữ Singapore với sứ mệnh là thúc đẩy công tác giảng dạy tiếng Anh trở nên "xuất sắc" hơn. Theo đó, tất cả lãnh đạo giáo dục và giáo viên đều phải cam kết phát triển kỹ năng tiếng Anh cho học sinh.

Khi đưa tiếng Anh vào chương trình giáo dục, các nhà hoạch định chính sách cũng nêu rằng nếu thành thạo tiếng Anh, Singapore có thể cạnh tranh trong nhiều hoạt động toàn cầu, đồng thời có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Xét ở góc độ khác, chính sách này cũng có mục đích là tạo điều kiện để các cộng đồng giao tiếp, tương tác thuận lợi hơn. Song song với đó, tiếng Anh cũng được kỳ vọng có thể làm giảm bất bình đẳng nghề nghiệp giữa những người dùng tiếng Anh và những người chỉ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ, theo Straits Times.

Chính sách này được cựu Bộ trưởng Giáo dục, Tiến sĩ Tony Tan Keng Yam, giải thích một cách ngắn gọn rằng mọi trẻ em đều nên học tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Các em học tiếng Anh để tiếp cận kiến thức, công nghệ và chuyên môn của thế giới hiện đại, đồng thời phải thông thạo tiếng mẹ đẻ để hiểu điều gì đã làm nên cộng đồng ngày nay.

Sau hàng chục năm, kế hoạch của cố Thủ tướng Singapore thành công ngoài mong đợi. Mô hình đông - tây độc đáo giúp tiếng Anh trở thành phương tiện để quốc đảo sư tử giao thương toàn cầu, đồng thời vẫn bảo vệ được tiếng mẹ đẻ cho từng cộng đồng trong nước.

Trên con đường phổ cập tiếng Anh, mô hình của ông Lý Quang Diệu cũng giúp Singapore trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu, đồng thời trở thành điểm đến toàn cầu cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Đông Nam Á.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/6-thap-ky-de-singapore-pho-cap-tieng-anh-toan-dan-ho-da-lam-nhung-gi-post1500320.html