7 điệp viên nổi tiếng trong văn chương

Từ James Bond, George Smiley đến Jason Bourne, những điệp viên hư cấu này khiến độc giả bị thu hút về một thế giới bí mật và đầy mưu mô trong các tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng.

James Bond trong tuyển tập James Bond của Ian Fleming: Từ nơi ở của mình tại Jamaica, Ian Fleming, một tác giả, nhà báo và cựu sĩ quan tình báo hải quân người Anh, đã viết cuốn đầu tiên trong số 12 cuốn tiểu thuyết và hai tuyển tập truyện ngắn về James Bond, điệp viên mật vụ người Anh, vào năm 1953. Nhân vật chính của câu chuyện là chàng điệp viên James Bond (biệt danh 007) làm việc cho Cơ quan tình báo Anh (MI5). Bond là điệp viên đa tài, luôn hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn, ngoài ra anh cũng rất đa tình. Là một thiên tài công nghệ điềm tĩnh và quyến rũ với nhiều quý cô, 007 đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, được đưa lên màn ảnh với 25 bộ phim dài tập cùng sự tham gia của 7 diễn viên khác nhau. Ảnh: Hipcomic.

George Smiley trong Call for the Dead của John le Carré: George Smiley nổi bật là một trong những điệp viên hư cấu nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học (tất nhiên là sau James Bond). Smiley về cơ bản trái ngược với James Bond với "vẻ ngoài bình thường, chân tóc thưa thớt và bộ đồ không vừa vặn". Tuy nhiên, tài năng của Smiley được thể hiện qua các cuộc đấu trí với những đối thủ cực kỳ khôn ngoan, thậm chí cả người đồng đội phản bội từ cơ quan mật vụ Anh. Ảnh: Readinglength.

Kimball O’Hara trong Kim của Rudyard Kipling: Câu chuyện của tác giả người Anh từng đoạt giải Nobel Rudyard Kipling xoay quanh Kim (Kimball O’Hara), cậu bé mồ côi gốc Anh-Ireland. Cậu bé sống bằng nghề ăn xin và chạy việc vặt trên đường phố Lahore, Ấn Độ. Kim kết bạn và trở thành đệ tử của một Lạt ma Tây tạng lớn tuổi thông thái - người đóng vai trò là người hướng dẫn tinh thần cho anh. Họ cùng dấn thân vào cuộc hành trình khắp đất nước và sau đó, Kim được gia nhập Cơ quan Mật vụ Anh, có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa người Anh và người Nga ở châu Á. Với một chút tinh nghịch, nhanh trí và thiên hướng phiêu lưu bẩm sinh, Kim chứng tỏ mình là một điệp viên trẻ xuất sắc. Ảnh: Etsy.

Jason Bourne trong The Bourne Identity của Robert Ludlum: The Bourne Identity là một tiểu thuyết gián điệp ly kỳ năm 1980 kể về câu chuyện của Jason Bourne, người được cứu khỏi đại dương với những vết sẹo do đạn bắn. Anh có khả năng sinh tồn đáng kinh ngạc nhưng lại bị mất trí nhớ và phải tìm cách khám phá danh tính thực sự của mình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm của anh gặp khó khăn bởi sự truy đuổi không ngừng nghỉ của CIA và một sát thủ nguy hiểm. Thông thạo nhiều ngôn ngữ và được đào tạo cực kỳ tốt về võ thuật, Jason Bourne cũng tự hào về khả năng quan sát đặc biệt khiến anh trở thành một điệp viên mẫu mực. Ảnh: Pangobooks.

Mansfield Smith Cumming trong Operation Krondstadt của Harry Ferguson: Cuốn sách của Ferguson mô tả văn phòng cực nhỏ ẩn mình trên gác mái của Whitehall ở London, Anh. Đây là trung tâm bí mật của cơ quan mật vụ Cumming làm việc trong Thế chiến thứ I. Cumming là một nhân vật không thể thiếu trong Cơ quan tình báo bí mật, thường được gọi là MI6, vào đầu thế kỷ XX. Sau một vụ tai nạn, Cumming phải cưa chân và sử dụng chân giả bằng gỗ. Ông từng kiểm tra những tân binh tiềm năng bằng cách dùng dao rọc giấy đâm chiếc chân gỗ xuyên qua quần của ông. Nếu nhăn mặt, người đó sẽ bị loại. Ảnh: Goodreads.

James Wormold trong Our man in Havana của Graham Greene: Từng là nhân viên bán máy hút bụi, James Wormold bất đắc dĩ trở thành người cung cấp thông tin để kiếm tiền chu cấp cho lối sống xa hoa của con gái ông. Tuy nhiên, khi không thể tìm được thông tin thỏa đáng hoặc thú vị để cung cấp cho tổ chức, ông đã bịa ra những câu chuyện không có thật. Bước ngoặt xảy ra khi những câu chuyện này dần trở thành hiện thực. Một chi tiết thú vị trong tiểu thuyết kinh dị này là Wormold đã vẽ sơ đồ của một căn cứ trên núi thực tế là bản phác thảo của các bộ phận máy hút bụi mà ông đang bán. Ảnh: Johnatkinsonbooks.

M trong Maxwell Knight, MI5's Greatest Spymaster của Henry Hemming: Thất bại ở nhiều sự nghiệp trước đó, Maxwell Knight đã tìm thấy tài năng thực sự của mình sau khi gia nhập Cơ quan Mật vụ. Knight được các đặc vụ và đồng nghiệp gọi đơn giản là M, và được cho là một phần nguồn cảm hứng cho nhân vật "M" trong loạt phim James Bond. Knight đã trở thành một gián điệp huyền thoại mặc dù thiếu bằng cấp. Điều khiến anh khác biệt so với các đồng nghiệp là khả năng nhanh nhẹn có thể biến mọi người thành một đặc vụ bí mật dũng cảm. Anh là người đầu tiên trong MI5 nắm bắt được tiềm năng đào tạo nữ đặc vụ. Những điệp viên này thường được bổ nhiệm làm nhân viên văn thư vì không ai nghi ngờ gì về khả năng của họ. Ảnh: Berkshire.

Ngọc Hân

Nguồn Znews: https://znews.vn/7-diep-vien-noi-tieng-trong-van-chuong-post1500066.html